KỶ NIỆM 78 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Hào hứng không khí Tết Độc lập

78 năm đã trôi qua kể từ mùa thu lịch sử 1945, ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỗi năm vào thời khắc ấy, người dân đất Việt lại cùng nhớ về công lao của thế hệ đi trước, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, thêm phấn đấu góp phần xây dựng và phát triển đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công trình giao thông phát triển góp phần thay đổi diện mạo đất nước.Ảnh: ANH QUÂN
Nhiều công trình giao thông phát triển góp phần thay đổi diện mạo đất nước.Ảnh: ANH QUÂN

Sôi nổi kỷ niệm trên cả nước

Những ngày này trở nên đặc biệt quan trọng khi đông đảo người dân kỷ niệm thành công của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Từ những ngày giữa tháng 8, các khẩu hiệu, áp-phích bắt đầu xuất hiện trên các con ngõ, phố, phường, lan tỏa niềm phấn khởi chào mừng. Không thể thiếu sắc cờ đỏ, sao vàng trước những ngôi nhà từ bắc vào nam, tạo nên bức tranh đẹp, đậm đà tình yêu quê hương, một biểu tượng của tinh thần tự hào dân tộc.

Bên cạnh việc trang hoàng để đón Tết Độc lập, các hoạt động, văn hóa, giải trí, thể thao, các chương trình kỷ niệm... diễn ra hết sức sôi nổi khắp các địa phương trên cả nước. Tại Thủ đô Hà Nội, tại những vị trí quan trọng và nhiều tuyến phố như Hùng Vương, Thanh Niên, Điện Biên Phủ, Tràng Tiền... đều được phủ cờ hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh kỷ niệm. Từ tối 26/8, tại vườn hoa đền Bà Kiệu, nằm trong không gian phố đi bộ hồ Gươm đã diễn ra các hoạt động nghệ thuật. Tiếp đó, tối 27/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp VTV tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Giai điệu Tổ quốc”, diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Đây đều là các chương trình mang âm hưởng ca ngợi Đảng, nhớ ơn Bác Hồ, tôn vinh tình yêu quê hương, đất nước.

Đặc biệt, 300 tư liệu sách, báo được Thư viện Hà Nội trưng bày tại cơ sở 47 Bà Triệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), giúp người xem hiểu sâu sắc hơn về cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như chặng đường 78 năm xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 4/9 và được nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên quan tâm.

“Các chương trình nghệ thuật năm nào cũng tổ chức, việc có gian trưng bày chuyên đề như thế này rất hay, đọc những trang sách làm chú nhớ lại những ngày tháng hồi ấy, xúc động và bồi hồi lắm. Chú đưa hai đứa cháu tới đây hai lần rồi, giúp các cháu có thể thấy những người đi trước đã hy sinh những gì để có được cuộc sống hôm nay, cho các cháu thêm trân trọng cuộc sống”, ông Lê Ngọc Chung (75 tuổi) chia sẻ.

Bên cạnh chương trình nghệ thuật đầu tư công phu, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ thả khinh khí cầu vào dịp lễ 2/9 năm nay để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân, du khách. Trong ngày 2/9 và ngày 3/9 tại đường Nguyễn Thiện Thành, TP Thủ Đức, hoạt động thả khinh khí cầu sẽ diễn ra với sự đầu tư công phu về ý tưởng, kỹ thuật, hứa hẹn sẽ mang đến người xem những màn trình diễn mãn nhãn, ấn tượng. Năm 2022, hoạt động này cũng được tổ chức với điểm nhấn là màn kéo đại kỳ rộng 1.800 m2 thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng.

Dịp lễ Quốc khánh năm nay, TP Hồ Chí Minh tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao và tầm thấp tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11). Thời gian bắn pháo hoa là 15 phút, từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút ngày 2/9. Vào tối 2/9 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ còn tổ chức chương trình trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố với nhiều hạng mục thiết kế tạo nét đặc trưng. Nhiều hoạt động triển lãm, lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ được tổ chức trang trọng.

Bên cạnh đó, tại các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức các chương trình nghệ thuật quảng bá văn hóa địa phương. Đây đều là chuỗi hoạt động chào mừng, cũng là cách giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ, đồng thời thể hiện tinh thần rực rỡ đón chào ngày lễ trọng đại của đất nước.

Hào hứng không khí Tết Độc lập ảnh 1

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: QUANG QUYẾT

Dịp nghỉ lễ đắm mình cùng văn hóa dân tộc

Năm nay người lao động được nghỉ bốn ngày, nhiều gia đình đi du lịch để thay đổi không khí. Nắm bắt thời cơ này, nhiều địa phương đã chủ động làm chủ địa bàn, hoàn thành cơ sở hạ tầng và phát động nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Đi đầu trong công tác chuẩn bị du lịch cho dịp lễ Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch, tổ chức du lịch bảo đảm vệ sinh tại cơ sở, nghiêm chỉnh niêm yết giá, ứng xử văn minh du lịch và tăng cường tuyên truyền phòng ngừa tội phạm.

Trong dịp này, tại Hà Nội cũng diễn ra nhiều chương trình ở nội và ngoại thành như “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây), tái hiện lại không gian Tây Bắc cho những ai chưa có dịp ghé qua. Khu vực phố đi bộ hồ Gươm mở xuyên bốn ngày nghỉ phục vụ du khách, khu Hoàng thành Thăng Long và Lăng Bác sẽ là nơi thu hút khách du lịch kín cả dịp nghỉ lễ.

Hào hứng không khí Tết Độc lập ảnh 2

Cờ Tổ quốc rực rỡ trên các tuyến phố. Ảnh BẮC SƠN

Quốc khánh 2/9 cũng là dịp miền Tây Bắc bước vào “mùa vàng” với những dải lúa chín, với không khí náo nhiệt khắp các bản, làng mừng ngày lễ lớn. Đây cũng là vùng có truyền thống ăn mừng Quốc khánh lớn nhất trên cả nước. Đối với một số dân tộc như người H’Mông, người Tày, Thái... ở một số địa phương như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên còn ăn Tết Độc lập rộn ràng như Tết Nguyên đán. Với bà con dân tộc H’Mông (Sơn La), đồng bào chuẩn bị mọi thứ trước vài ngày như sắm những bộ quần áo đẹp nhất, chuẩn bị những nhạc cụ có âm thanh hay nhất, mua sẵn thịt ngon, rượu ngọt để thết đãi khách đến nhà... Đồng bào quan niệm rằng, 2/9 là một dịp trong năm để bày tỏ lòng biết ơn Đảng, với Bác Hồ, những thế hệ cha anh đi trước đã đem lại tự do cho cả dân tộc. Ngày này cũng nằm trong số ít dịp lễ được nghỉ dài ngày để những người con xa quê có dịp về lại với bản làng, chung vui cùng điệu múa tiếng khèn, tham gia lễ hội kết bạn giao duyên.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại, trong bốn ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các chương trình nghệ thuật, tỉnh chú trọng vào quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống địa phương như chương trình trải nghiệm “Nghệ thuật Xòe Thái” - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với chủ đề “Noọng ơi” tổ chức tại bảo tàng tỉnh. Du khách sẽ hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái, được hướng dẫn cách thêu và đội khăn piêu; thưởng thức ẩm thực và đặc sản địa phương, giao lưu nhảy các điệu múa xòe, nhảy sạp.

Tận dụng dịp nghỉ lễ, TP Đà Nẵng sẽ có bốn sự kiện chính gồm Triển lãm “Mỹ thuật trẻ Đà Nẵng” giao lưu giữa các họa sĩ trẻ và người dân, triển lãm ảnh thời sự - nghệ thuật tại bờ tây cầu Rồng với những tấm hình đặc sắc nhất về con người và cảnh vật Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và phát triển, chương trình nghệ thuật diễn ra đúng ngày 2/9 và giải đua thuyền truyền thống Đà Nẵng mở rộng 2023. Song song đó là hơn 40 hoạt động văn hóa, thể thao như chèo thuyền, kayak, đạp thuyền nước…; biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hô hát bài chòi, độc tấu và biểu diễn nhạc cụ dân tộc… được tổ chức khắp phạm vi thành phố, phục vụ đông đảo người dân và cả khách tham quan du lịch. Các sự kiện này được tổ chức liên tiếp, xuyên suốt cả bốn ngày nghỉ, là một điểm cộng rất lớn trong việc ghi dấu ấn du lịch khi du khách ghé bất kỳ lúc nào cũng có thể thưởng thức.