Hào hứng gây dựng thương hiệu mít Sơn Đông

Những ngày vào vụ mít, gặp người dân nào ở Sơn Đông (Sơn Tây, Hà Nội) cũng hồ hởi khoe: “Mít ở đây ngon và chín tự nhiên nhé!”. Ngon và an toàn luôn là lợi thế, cũng được xác định là hai tiêu chí để xây dựng thương hiệu mít Sơn Đông. Nhiều hoạt động gắn với cây mít đang được triển khai nhằm giúp người dân làm giàu và bước đầu xây dựng thương hiệu cho cây mít trong vùng.

Người dân Sơn Đông tham gia cuộc thi Lễ hội trái mít ngon, an toàn Sơn Đông 2019.
Người dân Sơn Đông tham gia cuộc thi Lễ hội trái mít ngon, an toàn Sơn Đông 2019.

Bán mít thời công nghệ

19 năm buôn mít khắp các chợ gần xa, chị Đỗ Thị Chung chưa bao giờ nghe nói đến mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chị là người thôn Đông A, xã Sơn Đông, đến vụ sẽ thu gom mít của những vườn trong xã rồi bán ra thị trường. Chị chỉ bán mít ngon, chín tự nhiên, thu mua từ các vườn ở Sơn Đông. Nhiều năm qua, khách ở xa muốn ăn mít ngon Sơn Đông cứ tìm đến chị, cứ nghe giọng của chị thì có lẽ chẳng ai cần truy xuất nguồn gốc. Một năm nay, chị Chung là thành viên của tổ thu mua trái cây, thuộc HTX Nông nghiệp, dịch vụ xã Sơn Đông, công việc thu mua mít cũng từ đó thay đổi.

Giờ đây, mỗi quả mít mà chị cung cấp ra thị trường đều được dán nhãn, với một mã vạch truy xuất nguồn gốc thực phẩm an toàn. Sản phẩm kinh doanh của chị đã được đăng ký trong Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của TP Hà Nội. Khách hàng có thể dùng điện thoại thông minh truy cập để tra cứu các thông tin cụ thể về ngày đóng gói, hạn sử dụng, nguồn gốc và trọng lượng. Nhãn này chị chỉ dán trên trái mít do chính chị đến vườn thu mua và giao cho khách. Nếu xin riêng nhãn, mà không mua mít, cũng không được. Người dân Sơn Đông, như chị Chung, giờ ý thức rất rõ việc bảo vệ thương hiệu. Giữ được thương hiệu, là có thể bán mít với giá cao hơn. Từ khi có mã truy xuất nguồn gốc, chị ít khi phải đổ cho các mối lẻ nữa. Khách hàng tự liên hệ số điện thoại, đặt hàng, mít bán được giá hơn, thu nhập ổn định. Thay vì quang sọt gánh như ngày xưa, giờ chị Chung bán mít đều qua điện thoại, qua các ứng dụng như zalo, facebook… tiện lợi và nhanh chóng hơn.

Mít Sơn Đông ngon, nhưng hiếm được bày bán ở chợ. Xã Sơn Đông có 18 thôn, khoảng 600 hộ, vườn nhà nào cũng có những cây mít cổ thụ. Ít thì 5 - 6 cây trong vườn, nhà có vườn rộng thì vài chục cây. Cây mít mọc lên từ đất đá ong, quả to ngon ngọt, mùi thơm đượm vị hơn hẳn những vùng khác, nên từ lâu thương lái đã đổ về mua mỗi khi vào chính vụ. Những năm giá mít thấp, thương lái cũng về tận vườn mua. Hỏi phụ nữ ở Sơn Đông có bao giờ phải mang mít ra chợ bán không, ai cũng lắc đầu. Mấy năm nay được mùa, được giá, giá mít trung bình 20 - 25 nghìn đồng/kg, mỗi cây mít mang lại khoản thu nhập 9 - 10 triệu đồng/năm. Khách đánh xe về tận vườn nhà mua, một phần cũng vì giao thông thuận tiện. Còn đa số thì đặt hàng qua điện thoại, rồi gom một chuyến gửi cho khách lẻ.

Trong vườn nhà ông Nguyễn Trung Trực, thôn Đậu, đang có 30 cây lớn đã cho thu hoạch cùng hàng chục cây con mới trồng. Chỉ vào một gốc mít to ở góc vườn, ông Trực cho biết, cây này do các cụ trồng, từ thời ông còn bé đã nhìn thấy cây to thế ở vườn rồi. Vụ mít năm nay, cây ra quả rất nhiều, quả to, có quả nặng tới cả vài chục kg. Trồng mít ít sâu bệnh, không phải chăm sóc cầu kỳ. Chỉ bón phân và cắt tỉa cành lá sau thu hoạch, cây ra cành mới mùa sau mới nhiều quả. Nhà ông bà con cái đều đi làm xa, hai ông bà ở nhà không đủ sức trồng lúa, làm màu, chỉ chăm mấy gốc mít mỗi năm cũng thu nhập khá.

Chỉ vào quả mít nặng tới 20 kg giới thiệu trong Hội thi “Trái Mít ngon, an toàn xã Sơn Đông” diễn ra ngày 30-6 vừa qua, ông Phùng Văn Vịnh, thôn Tân An tự hào nói rằng đây chưa phải là quả to nhất. “Siêu mít” vẫn đang ở trong vườn của ông, trên cây mít 46 tuổi cùng với vài chục quả xúm xít chung quanh. Mấy năm gần đây mít nghệ giống Thái-lan được giá, ông cũng như nhiều hộ trong thôn cũng trồng thử. Mít Thái thời gian cho quả nhanh, 3 - 4 năm đã có quả, ban đầu ăn rất nhạt, nhưng sau lại ngọt dần. Có lẽ hợp đất đá ong, cây mít cũng cho vị ngon hơn các vùng khác.

Tạo dựng thương hiệu mít

Năm 2018, Sơn Đông đã thành lập HTX nông nghiệp dịch vụ, trong đó có tổ thu mua trái cây cho bà con. Những gia đình có mít chín sẽ báo cho HTX biết để hỗ trợ tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu mít Sơn Đông.

Cũng trong năm 2018, cuộc thi mít ngon lần đầu tiên diễn ra trên địa bàn xã. Tuy chỉ là cuộc thi quy mô nhỏ, 18 thôn đại diện mang những quả mít ngon nhất đến thi, có chấm giải. Nói là thi, nhưng mục đích chính để quảng cáo đặc sản đến khách hàng. Hiệu quả thấy rõ. Những gia đình mang mít đến dự thi, năm nay đều có khách gọi điện, đánh ô-tô vào tận vườn hỏi mua. Những vườn có cây mít được chấm giải, thì điện thoại đã gọi đặt từ lúc còn ương. Như gia đình bà Đỗ Thị Loan, thôn Vạn An, năm ngoái mang quả mít gần 20 kg đi dự thi, đoạt giải nhì, năm nay khách gọi điện cho bà tới tấp đặt mua từ khi mít chưa có quả. Ông Phùng Văn Thà, thôn 3, Sơn Đông, cũng được khách gọi điện đặt hết quả trong vườn từ khi mít còn ương. Hội thi mít ngon hằng năm vẫn được tổ chức, như một cách quảng bá sản phẩm hiệu quả nhất đến với khách hàng!

Từ năm 2019, chính quyền xã áp dụng công nghệ vào trong việc thu mua mít của bà con. Mỗi cây, mỗi quả trong vườn nhà bà con đều được đánh số điện tử và khi quả chín đạt chuẩn, thông báo sẽ hiện lên group chat Zalo của toàn bộ bà con trong xã. Sau đó, UBND xã sẽ cử người đến thu mua. Việc này hạn chế tối đa tình trạng thu mua đồng loạt, tránh việc cung cấp ra thị trường sản phẩm không đạt chất lượng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Duy Cường cho biết, xã đang triển khai kế hoạch bảo tồn, giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu mít Sơn Đông. Xã đã giao Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã rà soát, đánh dấu những cây mít có tuổi thọ cao. Phối hợp Viện Nông nghiệp 1 chọn những cây có chất lượng ngon nhất để bảo vệ, nhân giống, trồng tập trung. Cùng với đó, Sơn Đông cũng có kế hoạch xây dựng các gian hàng mít, đưa mít vào các nhà hàng trên địa bàn xã và thị xã Sơn Tây, đặc biệt tại các khu du lịch…

Kết thúc cuộc thi mít ngon với nhiều phần lễ, sau khi giám khảo và khách mời đã thưởng thức những quả mít ngon nhất, giải thưởng cũng đã trao, nhiều cụ già trong làng lặng lẽ đi khắp hội trường, tỉ mẩn chọn lựa, chia nhau từng hạt từ quả mít mà theo họ là ngon nhất, cẩn thận cất vào túi, mang về ươm trồng. 5 - 6 năm nữa, trong vườn của mỗi nhà Sơn Đông, sẽ có quả mít ngon như thế, sẽ mang về khoản thu nhập cao hơn bây giờ. Nói đâu chuyện vĩ mô xa xôi, thương hiệu mít Sơn Đông có lẽ được người dân tạo dựng, và gìn giữ theo cách rất giản dị ấy từ rất lâu rồi!

Gia đình bà Đỗ Thị Loan có con gái công tác ở nội thành Hà Nội, bạn bè người trong cơ quan đặt hàng nhiều, mỗi tuần về đều đánh một xe mít đi!
Ở Sơn Tây, không chỉ Sơn Đông có mít. Các khu vực chung quanh như Cổ Đông, người dân cũng trồng mít, nhà ít thì dăm ba cây, nhà nhiều thì vài chục cây, và cũng ngon. Lý do mít Sơn Đông được nhiều người biết đến hơn, chính là nhờ sự quyết tâm của người dân cũng như sự vào cuộc của chính quyền xã trong việc quảng bá sản phẩm.