Hành động khẩn cấp xóa đói nghèo

Thế giới đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ nghiêm trọng. Các “cú sốc” về khí hậu, xung đột và bất ổn kinh tế đẩy giá lương thực lên cao và nạn đói gia tăng ở nhiều nơi. LHQ kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp nhằm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ gây ra khủng hoảng hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới. Ảnh: GETTYIMAGES
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo trên thế giới. Ảnh: GETTYIMAGES

Khủng hoảng lương thực và đói nghèo

Trong báo cáo nhân Ngày Lương thực thế giới (16/10), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo: Thế giới có nguy cơ đối mặt “kỷ lục đói nghèo” mới, khi khủng hoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng đẩy nhiều người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng hơn. Theo WFP, cuộc khủng hoảng hiện nay là “hợp lưu” của một loạt cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu, xung đột và suy thoái kinh tế. Đại dịch Covid-19, an ninh bất ổn và hạn hán, lũ lụt bất thường là những nguyên nhân chính gây ra nạn đói ở nhiều nơi. Xung đột tại Ukraine khiến dòng chảy ngũ cốc gián đoạn, đẩy giá lương thực lên cao nhất trong nhiều thập niên và khiến tình trạng mất an ninh lương thực trong nhóm người nghèo nhất thế giới thêm trầm trọng.

Theo số liệu do LHQ công bố hồi tháng 9, khoảng 345 triệu người ở 82 quốc gia đang đối mặt bất ổn an ninh lương thực, con số này tăng mạnh từ 282 triệu người đầu năm 2022. Khoảng 800 triệu người (gần 10% dân số thế giới) thiếu ăn trong năm 2021, nhiều hơn 46 triệu người so năm 2020 và 150 triệu người so năm 2019. Một loạt quốc gia đang trong tình trạng báo động cao về mất an ninh lương thực, với khoảng một triệu người ở mỗi nước đối mặt mức độ đói thảm khốc. Báo cáo hồi đầu tháng 10 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết, hiện có 48 quốc gia phải đối mặt khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Trong đó, ít nhất 20 quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, cần viện trợ khẩn cấp để ứng phó khủng hoảng lương thực.

IMF chỉ rõ, “cú sốc lương thực” tác động nhiều nhất đến những nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như những nước phụ thuộc nhập khẩu lương thực. IMF ước tính, những nước này phải chi thêm chín tỷ USD trong hai năm tới do giá lương thực, phân bón tăng cao. Trong khi đó, theo tổ chức Oxfam, thời tiết cực đoan khắc nghiệt do biến đổi khí hậu không chỉ đẩy thêm nhiều người nghèo vào tình cảnh đói cùng cực, mà còn làm mất khả năng của các nước nghèo ngăn chặn nạn đói và ứng phó các cú sốc.

Thông điệp đoàn kết toàn cầu

Ngày Lương thực thế giới năm nay lấy chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết toàn cầu nhằm tăng cường an ninh lương thực thế giới và nâng cao nhận thức về vấn đề đói nghèo toàn cầu. Kêu gọi thế giới đoàn kết để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, giải quyết bất bình đẳng, tăng khả năng phục hồi và đạt được phát triển bền vững, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) nhấn mạnh bốn mục tiêu, gồm: sản xuất tốt, dinh dưỡng tốt, môi trường tốt và cuộc sống tốt hơn. FAO hy vọng cộng đồng quốc tế chia sẻ rộng rãi các cơ hội, hướng tới chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm tất cả mọi người được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, bảo đảm dinh dưỡng, trong khi vẫn bảo đảm bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Ngày Quốc tế xóa nghèo (17/10) đưa ra thông điệp nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm nhân phẩm cho tất cả mọi người, LHQ nhắc nhở thế giới về tình trạng nghiêm trọng hiện nay, khi nhiều người sống trong cảnh nghèo đói dai dẳng, phẩm giá không được tôn trọng. Số liệu của các cơ quan của LHQ công bố đã chỉ ra thực trạng tồi tệ: 811 triệu người không đủ lương thực; 44 triệu người có nguy cơ đói; hai tỷ người thiếu nước sạch và 3,6 tỷ người không được tiếp cận dịch vụ vệ sinh an toàn; 1,3 tỷ người sống trong tình trạng nghèo đa chiều, gần một nửa trong đó là trẻ em.

Điều đáng nói là, việc chấm dứt nạn đói không nằm ở nguồn cung, bởi lương thực được sản xuất trên thế giới hiện nay đủ để nuôi sống tất cả người dân toàn cầu. Theo LHQ, vấn đề nằm ở khả năng tiếp cận nguồn cung và lương thực, thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và điều phối hiệu quả hơn. LHQ nhắc lại lời kêu gọi thúc đẩy hợp tác đa phương, chung tay tìm giải pháp, từ ngăn chặn xung đột, giải tỏa bất đồng đến chuyển đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng lành mạnh, bền vững và bình đẳng hơn.