Đang làm thì bỏ hoang
Khu dân cư Điềm Thụy ở xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2192/QĐ-UBND, ngày 28-8-2015. Công ty TNHH tập đoàn Minh Phúc (Công ty Minh Phúc) được chỉ định là nhà đầu tư. Dự án (DA) được triển khai trên diện tích gần 12 ha, nằm ngay đường tròn trung tâm xã Điềm Thụy, một mặt giáp quốc lộ 37, một mặt giáp tỉnh lộ 266. Sau khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), thiết kế hạ tầng kỹ thuật, từ năm 2016, Công ty Minh Phúc đã bồi thường GPMB cho 150 hộ có đất trong DA. Đồng thời, xây dựng nhà ban quản lý, nhà ở công nhân thi công, san lấp mặt bằng, đúc cấu kiện bê-tông và các chi phí khác với số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay công ty này buộc phải dừng thi công vì không thể triển khai. Và ngày 31-3-2020, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 854/QĐ-UBND thu hồi Quyết định số 2192/QĐ-UBND.
Khu dân cư Điềm Thụy hiện đang trong tình trạng xây dựng dở dang, mặt bằng thành nơi đổ rác thải, chăn thả gia súc, bãi tập xe ô-tô, cỏ dại um tùm, cấu kiện bê-tông lăn lóc trên sân, pa-nô công bố quy hoạch chi tiết bị mưa gió và thời gian làm tan hoang, trơ khung. Nhà ban quản lý, nhà ở công nhân không có người ở, không ai trông nom nên xuống cấp, hoang tàn. Chủ tịch UBND xã Điềm Thụy Dương Ngọc Thơm cho biết: “Thấy DA dừng triển khai thì người dân địa phương cho rằng năng lực nhà đầu tư yếu, có ý “đòi” lại đất để canh tác. Thời gian qua chúng tôi rất vất vả trong việc quản lý quy hoạch, quản lý mặt bằng khi đất đai của DA bị lấn chiếm để canh tác, chăn thả gia súc dù người dân đã được đền bù GPMB”.
Hàng loạt dự án đình lại
Tương tự, dọc tỉnh lộ 266 cũng trên địa bàn xã Điềm Thụy còn có hai khu dân cư khác với số vốn lớn đã đầu tư nhưng đang trong tình trạng “bất động”. Đó là DA nhà ở xã hội 379 City do Công ty TNHH Phát triển nhà 379 làm chủ đầu tư trên diện tích 3,8 ha. Thời gian qua, công ty này đã GPMB, đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, vỉa hè, công trình cấp điện, cấp nước nhưng buộc phải dừng lại. Các công trình trong tình trạng dở dang trông rất phản cảm, lãng phí, khiến người dân bức xúc. Cạnh đó là Khu tái định cư kết hợp khu dân cư xóm Trung 3 cũng đang trong quá trình bồi thường GPMB, san lấp mặt bằng thì bị dừng lại, bỏ hoang.
Xã Điềm Thụy có hai khu, cụm công nghiệp với hơn 20 nhà máy, xí nghiệp, hơn 20 nghìn công nhân, là xã đang trong tiến trình đô thị hóa rất nhanh và dự kiến thời gian tới sẽ lên thị trấn nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Trong khi đó, các khu dân cư được doanh nghiệp đầu tư để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho xã hội thì lại dang dở, chưa biết đến khi nào mới tiếp tục được xây dựng, gây lãng phí lớn.
Chưa hết, trên địa bàn huyện Phú Bình còn có năm DA khu dân cư, khu đô thị đang được triển khai xây dựng với số tiền đã đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng bị UBND tỉnh thu hồi quyết định chủ trương đầu tư đã cấp trước đó. Các DA này đang trong tình trạng xây dựng dở dang, nhưng dường như lỗi không thuộc về các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng huyện Phú Bình.
Tương tự, toàn tỉnh Thái Nguyên có đến hàng chục DA khu đô thị, khu dân cư đang trong quá trình bồi thường GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bị thu hồi quyết định chủ trương đầu tư nên không thể tiếp tục triển khai. Hàng trăm tỷ đồng đang “chôn” tại các DA này.
Nhà đầu tư mòn mỏi chờ tháo gỡ
Chủ đầu tư khu dân cư Điềm Thụy, Giám đốc Công ty Minh Phúc Phạm Thống Nhất cho biết: “Do DA thiếu một số điều kiện pháp lý dẫn đến không thể tiếp tục triển khai nên chúng tôi quyết định chấm dứt hoạt động của DA”.
Đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng vào DA và dự kiến khi DA hoàn thành, phân lô, bán nền sẽ có hiệu quả, nên không tự nhiên Công ty Minh Phúc xin chấm dứt hoạt động của DA. Nguyên nhân chủ yếu, được biết, là DA này khi triển khai xây dựng chưa đủ thủ tục pháp lý nên nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai. Tình trạng này cũng gần như tương tự với hàng loạt DA khác như đã kể trên, dẫn đến gây bức xúc dư luận, lãng phí nguồn lực về đất đai, nguồn lực và niềm tin của nhà đầu tư bị bào mòn.
Mới đây, tại một hội nghị do huyện tổ chức, bàn tháo gỡ khó khăn đối với các DA như trên, các nhà đầu tư đã kiến nghị không để DA trong tình trạng bất động thêm nữa. Vì càng để lâu càng lãng phí nguồn lực, nhà đầu tư sẽ dễ đi tới phá sản. Nhưng để các DA đã bị thu hồi, tới đây có thể tiếp tục triển khai, sẽ phải bổ sung, hoàn thiện các thủ tục về pháp lý theo quy định. Trong đó có thủ tục lựa chọn lại nhà đầu tư. Đây là công việc của các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên. Dư luận đang chờ các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các DA này, tuân thủ quy trình, quy định trong lựa chọn nhà đầu tư để sớm tiếp tục triển khai DA. Nếu càng để lâu, số tiền rất lớn bị “chôn” trong DA sẽ bào mòn nguồn lực của doanh nghiệp và niềm tin của xã hội về môi trường đầu tư trên địa bàn.