Hàng loạt dự án PPP, BT chuyển tiếp sắp thông đường

Nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hình thức xây dựng chuyển giao (BT) chuyển tiếp đang đứng trước cơ hội được tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khi Chính phủ thống nhất đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tới 70% tổng mức đầu tư.
Các dự án PPP, BT giúp hệ thống giao thông giảm ùn tắc. Ảnh: HẢI NAM
Các dự án PPP, BT giúp hệ thống giao thông giảm ùn tắc. Ảnh: HẢI NAM

Đặc biệt, dự luật sửa đổi 4 luật liên quan trực tiếp sẽ được trình Quốc hội xem xét, phê duyệt trong tháng 10 tới. Cụ thể, tại Nghị quyết 126/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 vừa diễn ra, Chính phủ đã thống nhất đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến bãi bỏ quy định về quy mô vốn tối thiểu để thực hiện dự án PPP, nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lên cao hơn 50% nhưng không quá 70% với một số điều kiện cụ thể.

Sẵn sàng trình sửa đổi 4 luật

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu, bảo đảm các yêu cầu liên quan. .

Đáng chú ý, Chính phủ thống nhất đề xuất về mở rộng, đa dạng hóa tối đa các lĩnh vực đầu tư, bãi bỏ quy định về quy mô vốn tối thiểu để thực hiện dự án PPP và nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lên mức cao hơn 50% nhưng không quá 70% với một số điều kiện cụ thể, theo quyết định của Thủ tướng (với dự án sử dụng vốn ngân sách T.Ư) hoặc theo quyết định của HĐND (với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương).

Liên quan đến xử lý đối với các dự án BT chuyển tiếp, Chính phủ thống nhất cần sửa đổi, bổ sung để quy định rõ nội dung chuyển tiếp nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất cho việc giải quyết những vướng mắc đang tồn tại.

Theo kế hoạch, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10/2024 theo quy trình một kỳ họp.

Giữa tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật nêu trên để xin ý kiến các bộ, UBND tỉnh, thành phố, hiệp hội liên quan. Trong đó, đã ghi nhận một số bất cập, vướng mắc trong triển khai dự án theo Luật PPP.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, Luật PPP đã dừng thực hiện dự án theo hợp đồng BT xuất phát từ những bất cập như: Một số dự án không có mục tiêu đầu tư phù hợp, không cần thiết; giá trị công trình BT được xác định không chính xác; phần lớn các dự án có suất đầu tư cao hơn dự án sử dụng vốn đầu tư công; việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu không cạnh tranh.

Đặc biệt, theo Luật PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư. Nguồn vốn này được dùng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện một số dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền có khó khăn đang có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để bảo đảm tính khả thi thu hút đầu tư theo phương thức PPP.

Trong đó, một số dự án chỉ riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt 50% tổng mức đầu tư. Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho ngành giao thông, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 106/2023 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình (không quá 80%) và tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (không quá 70%).

Từ đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 69 Luật PPP quy định về tỷ lệ vốn tối đa của Nhà nước tham gia dự án PPP theo hướng áp dụng hạn mức khác nhau tùy thuộc tính chất từng dự án.

Hàng loạt dự án PPP, BT chuyển tiếp sắp thông đường ảnh 1

Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Ảnh: VĂN BAN

162 dự án BT chuyển tiếp đón tin vui

Tháng 7/2024, theo số liệu từ các địa phương, cho thấy còn 162 dự án BT chuyển tiếp - tức đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư/đã ký kết hợp đồng trước ngày 1/1/2021, thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành. Các dự án này, suốt thời gian qua đều ghi nhận một số trở ngại trong quá trình triển khai, thực hiện.

Các vướng mắc điển hình phát sinh do quy định của luật về thanh toán cho nhà đầu tư liên quan đến giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT; chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn vốn để bố trí ngân sách nhà nước thanh toán/bồi thường chấm dứt hợp đồng cho nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vướng mắc về giá trị quỹ đất thanh toán vượt giá trị công trình xuất phát từ quy định về “nguyên tắc ngang giá” tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và cách hiểu, áp dụng nguyên tắc nêu trên đối với các dự án BT chuyển tiếp.

“Đây là nội dung vướng mắc phát sinh từ quy định của luật, do vậy cần nghiên cứu báo cáo Quốc hội phương án xử lý các vướng mắc về thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT chuyển tiếp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định.

Được biết, nhằm xử lý tháo gỡ cũng như khơi thông nguồn lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó có các dự án BT, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngay trong tháng 10/2024.

Đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xác định những vướng mắc nổi cộm của 140 dự án BT chuyển tiếp và đưa ra phương án giải quyết. Trong đó, hơn 60% trong danh sách dự án BT chuyển tiếp đều tập trung ở lĩnh vực giao thông.

Các nhóm vấn đề vướng mắc tập trung ở: Giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT, thể hiện ở 3 trường hợp: Hợp đồng BT ký kết chưa đúng quy định pháp luật, hợp đồng BT ký kết đúng quy định nhưng chưa rõ vị trí, mục đích sử dụng quỹ đất dự kiến thanh toán hoặc chưa đúng chủ trương thực hiện dự án mà bộ, ngành, địa phương chưa xin lại ý kiến.

Đây là tình trạng diễn ra tại các dự án BT chuyển tiếp ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Lào Cai. Trong số này, ghi nhận không ít tên tuổi lớn trong ngành xây dựng và bất động sản còn “mắc” tại các dự án BT chuyển tiếp.

Điển hình như liên danh Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô - Công ty CP Đầu tư ADEL - Công ty CP Bất động sản Hải Phát với dự án khu di tích Đền Đô và sông Tiêu Tương trị giá 667 tỷ đồng, Bitexco với dự án xây dựng đường giao thông quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới với dự án cải tạo, xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, Tập đoàn Phúc Sơn góp mặt tại ba dự án ở Khánh Hòa.

Ngoài ra, danh sách các chủ đầu tư những dự án BT chuyển tiếp gặp khó khăn, vướng mắc còn nhắc tên Tập đoàn Hoàng Huy, Cienco 5, Công ty CP Tập đoàn Hanaka, Công ty CP Tập đoàn Dabaco, Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng, Viglacera.