Nguồn cơn nằm ở chiết khấu, điều hành
Do trùng vào dịp nghỉ Tết, kỳ điều hành xăng, dầu lùi về ngày 1/2, thay vì 21/1 theo quy định. Việc này khiến tình trạng các cây xăng đóng cửa, bán cầm chừng lại tái diễn những ngày qua khi giá xăng, dầu thành phẩm tăng cao. Cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử phạt nhiều cây xăng đóng cửa không bán hàng ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc...
Nhận thấy “có biến động bất thường và ảnh hưởng đến nguồn cung và tình hình phát triển kinh tế - xã hội”, ngày 30/1, liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng, dầu sớm hơn so với dự kiến hai ngày. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, nguồn cơn của những bất ổn nằm ở vấn đề chiết khấu. Do đó, nếu không giải quyết được vấn đề này thì bất ổn vẫn diễn ra.
Ghi nhận thực tế ngày 31/1 cho thấy, tình trạng thiếu xăng, dầu vẫn xảy ra ở một số tỉnh. Theo phản ánh từ chủ cây xăng ở phường Xuân Hòa, TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc), cửa hàng này đã hết xăng vài hôm, nhưng phía đơn vị cấp hàng cho biết: “Xe bồn chờ ở kho từ tối 29/1 vẫn chưa lấy được xăng. Còn dầu cũng phải 2-3 hôm nữa mới có hàng”. Tương tự, chủ một doanh nghiệp bán lẻ ở An Giang cho biết, hiện họ chỉ còn một ít dầu, còn xăng hết từ tối 30/1.
Theo quy định, doanh nghiệp bán lẻ dù lời hay lỗ vẫn buộc phải bán hàng. Do vậy, họ có thể nhập ít hàng đi để giảm lỗ. Đó cũng là nguyên nhân gây đứt nguồn cung ở một số thời điểm.
Ông Giang Chấn Tây, chủ bốn cửa hàng bán lẻ ở Trà Vinh khẳng định, vấn đề nằm ở việc chiết khấu bị giảm mạnh, thậm chí là 0 đồng, nhưng họ cũng phải chấp nhận để có hàng. Việc này khiến họ càng bán càng lỗ. Năm qua, đơn vị này đã lỗ hơn một tỷ đồng, riêng quý IV lỗ hơn 380 triệu đồng.
Ông Giang Chấn Tây cho biết thêm, thời điểm giá thế giới tăng cao, các thương nhân cấp nguồn (thương nhân đầu mối, hoặc phân phối) sẽ cắt giảm chiết khấu, khiến cho cửa hàng bán lẻ không đủ chi phí hoạt động.
Cụ thể, hiện các cửa hàng bán lẻ đang được tính mức chiết khấu bán hàng ngưỡng 100-200 đồng/lít xăng, dầu. Tính thêm chi phí vận chuyển, chi phí vận hành thì họ đang lỗ khoảng 1.000-1.300 đồng khi bán ra mỗi lít xăng, dầu. Thông thường bình quân một cửa hàng bán lẻ bán khoảng 1.000 lít/ngày, đồng nghĩa họ sẽ lỗ khoảng 1-1,3 triệu đồng mỗi ngày. Chưa kể, một số doanh nghiệp đang dùng vốn vay phải trả lãi vay... kỳ điều hành lùi càng dài, số lỗ của họ càng lớn. “Lỗ cả năm qua, nếu không được thay đổi kịp thời, doanh nghiệp xăng, dầu khó trụ nổi”, ông Giang Chấn Tây than thở.
Nhận định về một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng, dầu bất ổn, dẫn đến tình trạng “càng bán càng lỗ”, Bộ Công thương nhiều lần nhấn mạnh việc “các chi phí kinh doanh xăng, dầu chưa tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở... khiến cho doanh nghiệp không còn động lực duy trì hoạt động kinh doanh”.
Không chỉ là chưa hợp lý ở các quy định, với kinh nghiệm từng trực tiếp tham gia điều hành giá xăng, dầu, TS Nguyễn Tiến Thỏa (nguyên Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính) thẳng thắn: Lỗi còn do điều hành loay hoay, lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.
Giải pháp tổng thể ra sao?
Với căn nguyên vấn đề được nhận định nằm ở chiết khấu, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của 36 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng, dầu tại TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị “cần có mức chiết khấu tối thiểu theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ”.
Các doanh nghiệp lý giải: “Việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn nên đóng cửa dừng bán”.
Với đề xuất này, Bộ Công thương cho rằng, đây cũng là một giải pháp, tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự cứng nhắc trong quan hệ mua bán xăng, dầu giữa các doanh nghiệp. Hơn nữa, sẽ dồn hết sự khó khăn lên doanh nghiệp đầu mối (đơn vị tạo nguồn cung xăng, dầu) khi việc kinh doanh gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng, dầu.
Hiến kế gỡ khó lo ngại từ Bộ Công thương, theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, khi quy định chiết khấu tối thiểu cho cửa hàng bán lẻ, Bộ Công thương cần hướng dẫn các đầu mối, thương nhân phân phối tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức. Làm được điều này sẽ chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng.
Chia sẻ giải pháp tổng thể khi sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng, dầu, nhằm ổn định thị trường, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, cho rằng: Nếu chỉ sửa về giá thì không ổn. Giá chỉ là một vấn đề. Vấn đề quan trọng sau giá cần sửa đổi là điều kiện kinh doanh xăng, dầu. Cần sửa theo hướng, quy định thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối đến giai đoạn nào đó phải có bao nhiêu cửa hàng.
“Việc đưa ra lộ trình sẽ làm cho doanh nghiệp lớn lên, đủ nguồn lực khi mở cửa cho nước ngoài vào cạnh tranh”, ông Thỏa nói và nhấn mạnh, việc này cũng sẽ giúp giải quyết được tình trạng như vừa qua, thời điểm khó khăn thì thương nhân đầu mối “bỏ rơi” thương nhân phân phối, khi đó thương nhân phân phối lại “bỏ rơi” các cửa hàng, đại lý.
Dẫn chứng về luồng ý kiến cho rằng, cần mở cửa thị trường xăng, dầu để cạnh tranh nhau, ông Thỏa một lần nữa khẳng định, sự can thiệp bằng điều kiện kinh doanh. “Hiện xăng, dầu là lĩnh vực còn tồn tại việc một số doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (PV OIL và Petrolimex chiếm khoảng 70% thị trường), vì thế, Nhà nước vẫn phải can thiệp, trong đó có can thiệp bằng điều kiện kinh doanh”, ông Thỏa nói.
Cùng với giải pháp trên, cũng cần sửa đổi quy định về nhập hàng để tránh bị vỡ hệ thống. Với quy định hiện nay, thương nhân phân phối có thể lấy hàng ở bất kỳ đầu mối nào, bởi vậy lúc khó khăn về nguồn hàng, họ chỉ lo cho các cửa hàng trong hệ thống của mình, mà “bỏ rơi” các thương nhân phân phối không thường xuyên mua hàng.
Ông Thỏa cũng đồng ý với đề xuất cho thương nhân phân phối lấy hàng từ nhiều nhất ba thương nhân đầu mối. Nhưng ông khuyến nghị, thương nhân phân phối đó phải đăng ký với đầu mối về sản lượng mỗi năm, để đầu mối phải có trách nhiệm cấp đủ hàng. Ngoài ra, thương nhân phân phối cũng phải đăng ký hệ thống phân phối với đầu mối và có trách nhiệm với các cửa hàng bán lẻ của mình. Khi đó, các cấp từ đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ sẽ có trách nhiệm với nhau, dẫn đến có trách nhiệm chia hoa hồng cho nhau để giữ được hệ thống.