Google trong “tầm ngắm” của Nhật Bản

Cơ quan giám sát chống độc quyền của Nhật Bản đang điều tra Google liên quan cáo buộc lạm dụng vị thế thị trường và chặn các dịch vụ của đối thủ trên thiết bị Android, đồng thời tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh của “gã khổng lồ” công nghệ này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dùng internet ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ tìm kiếm. Ảnh: GETTY IMAGES
Người dùng internet ở Nhật Bản sử dụng dịch vụ tìm kiếm. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo Nikkei, Ủy ban Công bằng thương mại (FTC) Nhật Bản đã mở cuộc điều tra tập trung vào các cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền của nước này. Thông cáo cho hay, FTC đang thu thập ý kiến về những nghi ngờ đối với việc Google gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại thông minh để tích hợp ứng dụng tìm kiếm của hãng này, hoặc trả tiền để đặt biểu tượng của hãng ở những vị trí cụ thể trên điện thoại. Google vừa kỷ niệm 25 năm thành lập, ước tính chiếm tới 90% thị phần tìm kiếm trực tuyến toàn cầu.

Động thái của giới chức Nhật Bản cũng đánh dấu lần đầu FTC tham khảo ý kiến ​​của các bên thứ ba trong một cuộc điều tra riêng lẻ. Cơ quan này cho biết, cuộc điều tra có thể mở rộng sang các nhà sản xuất điện thoại Android trong trường hợp có phát hiện mới về việc các hãng này là đồng phạm với Google vi phạm hoạt động chống độc quyền. Hiện các nhà điều tra nghi ngờ công ty sở hữu công cụ tìm kiếm số một thế giới đã ký hợp đồng với nhà sản xuất thiết bị Android để loại các ứng dụng tìm kiếm của đối thủ trên thiết bị. Đổi lại, phía nhà sản xuất sẽ được chia phần lợi nhuận thu về từ quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm của Google. FTC Nhật Bản sẽ lấy ý kiến của công chúng và các đơn vị tư vấn khác về vấn đề này đến hết ngày 22/11.

Thông báo của FTC đã nối dài danh sách các vấn đề pháp lý mà công ty dẫn đầu dịch vụ tìm kiếm trên internet đang phải đối mặt trên toàn cầu. Trước đó, các nhà chức trách Mỹ và châu Âu cũng đã siết chặt hàng loạt quy định liên quan sau những vụ điều tra mở rộng đối với Google. Trong đó, vụ kiện chống độc quyền của các cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành trong hơn ba năm qua. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google lạm dụng “vị thế thống lĩnh” trên thị trường tìm kiếm trực tuyến để cản trở sáng tạo của các công ty khởi nghiệp và ngay cả các đối thủ lớn hơn cũng chịu ảnh hưởng. Trong năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật ngăn chặn những công ty công nghệ lớn ưu tiên các sản phẩm của riêng họ và cho đến nay vẫn không ngừng “để mắt” giám sát hoạt động của Google (công ty con thuộc Tập đoàn Alphabet).

Trong khi đó, Đạo luật Thị trường kỹ thuật số do Liên minh châu Âu (EU) ban hành năm ngoái cũng siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ lớn, đồng thời đưa ra nhiều chính sách để tạo điều kiện cho các công ty mới gia nhập thị trường phát triển ứng dụng và cạnh tranh công bằng, cho phép người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi tìm kiếm thông tin trên internet. Trong mỗi vụ việc, Google cũng đã chấp nhận trả những khoản dàn xếp, tính theo tỷ lệ doanh thu ở mỗi quốc gia, có thể lên tới hàng triệu USD.

Theo Reuters, đại diện Google cho biết đã làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để thảo luận thêm về hoạt động mà hãng này gọi là “hỗ trợ đổi mới sáng tạo”, đặc biệt là đối với hệ sinh thái phần mềm trên các thiết bị di động Android. Công ty cũng gửi thông báo liên quan những câu hỏi quanh vụ điều tra của FTC, trong đó giải thích rằng người dùng luôn có quyền lựa chọn tùy chỉnh thiết bị của mình cho phù hợp nhu cầu của họ, bao gồm cả trình duyệt hoặc tải xuống ứng dụng công cụ tìm kiếm trên internet.

Vụ việc gợi nhắc lại cuộc điều tra chống độc quyền đối với hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft vào những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, Microsoft cũng bị cáo buộc ép các hãng sản xuất máy tính phụ thuộc vào hệ điều hành Windows phải đưa trình duyệt Internet Explorer của hãng vào sản phẩm. Cuộc chiến pháp lý kéo dài đã khiến các nhà quản trị ở Microsoft phần nào mất tập trung, do đó bị tụt lại sau trong cuộc đua khốc liệt phát triển các sản phẩm, ứng dụng trên internet. Ở thời điểm hiện nay, Google cũng đang đối mặt hàng loạt trở ngại và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà phát triển ứng dụng mới, đe dọa suy giảm sức mạnh của công ty đã 15 năm tuổi này.