Google đối mặt vụ kiện nhiều tỷ USD

“Gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ Google đang phải đối mặt một vụ kiện từ người tiêu dùng Anh, với cáo buộc công ty này góp phần làm tăng giá sinh hoạt tại “xứ sương mù”. Với số tiền yêu cầu bồi thường lên tới gần 9 tỷ USD, đây được xem là một trong những vụ kiện đắt đỏ nhất mà công ty công nghệ này gặp phải thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Google bị Anh cáo buộc áp dụng nhiều ưu tiên cho trang tìm kiếm. Ảnh: SHUTTER STOCK
Google bị Anh cáo buộc áp dụng nhiều ưu tiên cho trang tìm kiếm. Ảnh: SHUTTER STOCK

Theo The Guardian, Tòa phúc thẩm cạnh tranh Vương quốc Anh mới đây tiếp nhận một đơn kiện thay mặt cho tất cả người tiêu dùng tại Anh. Cụ thể, trong đơn kiện này, người dân Anh yêu cầu Google bồi thường thiệt hại khoảng bảy tỷ bảng Anh (tương đương 8,7 tỷ USD) với cáo buộc công ty này loại bỏ chức năng cạnh tranh tìm kiếm trên thiết bị di động, cũng như sử dụng vị thế thống trị thị trường của mình nhằm tăng mức giá mà các nhà quảng cáo phải trả để được nổi bật trên trang tìm kiếm Google. Theo đơn kiện, những chi phí quảng cáo này sau đó được chuyển sang người tiêu dùng, khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ mà họ mua.

Vụ kiện tập thể này do Hereford Litigation, một nhà tài trợ kiện tụng thương mại toàn cầu hỗ trợ. Nikki Stopford, một nhà vận động vì quyền lợi người tiêu dùng và là đại diện cho phía nguyên đơn trong vụ kiện này cho biết: “Google đã vi phạm luật cạnh tranh. Vụ kiện nhằm mục đích đòi lại sự công bằng, buộc Google phải có lời giải thích cho hành động sai trái của mình, đồng thời giúp người tiêu dùng đòi lại số tiền mà Google đã lấy của họ”. Ước tính, khoản bồi thường gần chín tỷ USD nhằm bồi thường cho khoảng 65 triệu người dùng hơn 16 tuổi ở Vương quốc Anh, nghĩa là trung bình ít nhất 100 bảng mỗi người.

Đầu năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ và tám bang đã đệ đơn kiện Google với cáo buộc công ty này lạm dụng sự thống trị trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) cũng đã mở một cuộc điều tra xem liệu Google có lạm dụng vị trí thống trị của mình thông qua hoạt động trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo hay không. Theo CMA, vào năm 2019, Google đã trả cho Apple khoảng 1,2 tỷ bảng Anh (tương đương 1,5 tỷ USD) để bảo đảm trạng thái mặc định cho công cụ tìm kiếm trên trình duyệt Safari chỉ riêng ở Anh.

Trong vụ kiện, Google bị cáo buộc đã lấp đầy các trang tìm kiếm của mình bằng quảng cáo trả phí - gây áp lực buộc các công ty phải trả nhiều tiền hơn cho các cú “nhấp chuột”, thay vì phụ thuộc vào việc người tiêu dùng tự tìm kiếm trang web của họ. Các nhà điều tra cho biết, một công cụ tìm kiếm cạnh tranh sẽ chọn quảng cáo dựa trên mức độ phù hợp người dùng hơn là mức giá mà nhà quảng cáo phải trả.

Bên cạnh đó, thỏa thuận thương mại giữa Google và Apple nhằm bảo đảm Google là công cụ tìm kiếm mặc định cho trình duyệt Safari được cài đặt sẵn trên iOS, hệ điều hành iPhone của Apple, đã góp phần cho phép Google duy trì vị trí thống trị trên thiết bị di động. Google Ads đã tạo ra doanh thu hơn 224 tỷ USD vào năm 2022, chiếm gần 80% doanh thu của công ty mẹ Alphabet (283 tỷ USD).

Trước những cáo buộc nhằm Google, người phát ngôn của công ty này cho biết: “Các cáo buộc chỉ mang tính suy đoán và cơ hội. Chúng tôi sẽ phản đối mạnh mẽ. Mọi người sử dụng Google vì nó hữu ích. Chúng tôi chỉ kiếm tiền nếu quảng cáo hữu ích và phù hợp, như được biểu thị bằng số lần nhấp chuột ở mức giá do phiên đấu giá theo thời gian thực đặt ra. Quảng cáo đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp mọi người khám phá các hoạt động kinh doanh mới, mục tiêu mới và sản phẩm mới”.

Vụ việc mới đây ở Anh là đơn kiện mới nhất mà Google phải đối mặt. Tuy nhiên, thời gian qua, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ liên tiếp vấp phải các vụ kiện liên quan tính cạnh tranh, bảo mật, xâm phạm quyền riêng tư của người sử dụng. Ngoài Google, nhiều tập đoàn công nghệ khác của Mỹ cũng đã phải đối mặt các cuộc điều tra từ các cơ quan quản lý của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây, cho thấy hoạt động kinh doanh của những “đại gia” công nghệ thế giới đang dần bị siết chặt.