Gỡ nút thắt nhà ở công nhân

Hiện nay, tốc độ phát triển đô thị công nghiệp tăng nhanh song vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân vẫn còn nhiều vướng mắc. Do đó, đòi hỏi Nhà nước cần có giải pháp phát triển loại hình nhà ở này để thu hút nguồn lực lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX).

Nhà ở công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NAM ANH
Nhà ở công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NAM ANH

Nghịch lý không và có quy chuẩn

Những năm gần đây, số lượng lao động đến làm việc tại các KCN tăng cao, phần lớn trong số đó là người ngoại tỉnh nên ở trọ trong các dãy nhà chật chội từ 5 - 10 m2, điều kiện sống không bảo đảm, gây quá tải hệ thống hạ tầng xã hội chung quanh KCN. Do nguồn cung cấp nhà ở phụ thuộc người dân địa phương nên các quyền lợi về an sinh xã hội, y tế, bảo hiểm, giáo dục… đều rất hạn chế, thậm chí không có. Điều này dễ dẫn đến việc hình thành những xóm trọ ổ chuột quanh KCN. 

Một số địa bàn các KCN đang quá tải về hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng kịp, nhất là trường học từ mầm non đến trung học và cơ sở khám, chữa bệnh, các dịch vụ công ích như công viên, khu vui chơi, giải trí cũng rất thiếu. Chính vì vậy, dù Việt Nam đã có tiêu chuẩn Quy hoạch mặt bằng tổng thể cụm công nghiệp (TCVN 4616:1988) quy định, hệ thống dịch vụ đô thị của công nhân là điều kiện bắt buộc khi hình thành KCN, nhưng thực tế nhiều địa phương chỉ tập trung vào đầu tư và lấp đầy KCN. 

Kết quả phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Do thiếu hụt diện tích sàn nhà ở trước đó nên trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ cần khoảng 6,7 triệu m2 nhà ở công nhân, đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Tuy nhiên, việc phát triển các KCN, KCX hiện nay mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn hạ tầng xã hội không được quan tâm nhiều. Thí dụ, như tại KCN Thăng Long (Hà Nội); KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh)… dù đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều khu nhà ở cho công nhân lao động trên địa bàn, bảo đảm quy chuẩn, với nhiều ưu đãi, song lại chưa thu hút được người lao động. Bởi lẽ đối tượng công nhân lao động đa phần là người trẻ, nhu cầu giao lưu, vui chơi giải trí lớn nhưng lại bị khống chế thời gian ra vào, ngay cả việc tiếp đón bạn bè, người thân cũng khá gò bó nên họ thích trọ ở ngoài để thoải mái hơn. Đây là một trong những lý do khiến các khu nhà ở dành cho công nhân dù được đầu tư xây dựng bảo đảm quy chuẩn, song chưa thu hút được công nhân.

Gỡ khó để thu hút nguồn lực

Nhằm đẩy mạnh việc xây nhà ở cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5 - 10 khu nhà ở cho công nhân thuê, tạo ra 500 nghìn m2 - 1 triệu m2 sàn nhà ở đáp ứng cho khoảng 50 nghìn - 100 nghìn công nhân được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất. Áp dụng một số chính sách đặc thù như miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi cho mục đích phát triển nhà ở công nhân, tạo động lực thu hút đầu tư. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… trong các pháp luật đất đai, đầu tư, nhà ở theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong KCN.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính để tập trung vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội. Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng nếu chỉ cho thuê và thuê mua thì thời gian thu hồi vốn chậm, khả năng sinh lợi thấp. Cùng với đó, chưa có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà cho công nhân ở các KCN… Chưa kể, do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp, nên rất ít doanh nghiệp mặn mà đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.144 căn hộ, với tổng diện tích 2,71 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 107 dự án với quy mô xây dựng khoảng 145 nghìn căn hộ, tổng diện tích 7,33 triệu m2. Trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu đề xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ. Đặc biệt, chính sách dành cho nhà ở công nhân sẽ được tách riêng khỏi nhà ở xã hội.