Gỡ nút thắt mua sắm vật tư y tế

Theo Bộ Y tế, nếu tình trạng thiếu máu cứ kéo dài tại địa phương, cần xem xét hình thức kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm (nếu có), để ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Các cơ sở y tế công lập đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm đủ vật tư và trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: HẢI NAM
Các cơ sở y tế công lập đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm đủ vật tư và trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ảnh: HẢI NAM

Đề xuất xem xét kỷ luật

Trước phản ánh về tình trạng thiếu máu lại diễn ra tại Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong những ngày gần đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) liên tục có công văn yêu cầu phải bảo đảm cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện vùng này.

Theo Bộ Y tế, nếu tình trạng thiếu máu cứ kéo dài tại địa phương, cần xem xét những hình thức kỷ luật với những trường hợp không làm hết trách nhiệm trong việc mua sắm đủ vật tư, túi máu, sinh phẩm (nếu có) để ảnh hưởng đến việc điều trị của người bệnh. Trước đó, tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện vùng đồng bằng sông Cửu Long được phản ánh từ tháng 6/2023 do các đơn vị khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm...

Bộ Y tế liên tiếp có các văn bản hướng dẫn để hỗ trợ cung cấp máu cho khu vực này. Từ tháng 6/2023 đến nay, gần 65.000 đơn vị máu được Bộ Y tế điều phối hỗ trợ cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ để cung cấp cho 74 bệnh viện khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2023, công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ vẫn chưa có đủ để tiếp nhận và cung cấp máu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế đánh giá đây là “tình hình cấp bách”, yêu cầu Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư và các trung tâm huyết học - truyền máu xem xét nguồn máu, cân đối hỗ trợ cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ trong hai đến bốn tuần tới nếu bệnh viện này vẫn chưa tự bảo đảm đầy đủ nguồn cung. Cùng với đó, phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và các tổ chức xã hội trong việc huy động hiến máu, bảo đảm nguồn cung máu và các chế phẩm máu, dự phòng cho nhu cầu về máu của các địa phương khác trong thời gian tới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ nghiêm túc rút kinh nghiệm việc không bảo đảm nguồn cung ứng máu, ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh và uy tín chung của ngành. “Hai đơn vị này khẩn trương báo cáo UBND thành phố Cần Thơ tổ chức đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm, túi máu đầy đủ để phục vụ công tác truyền máu; báo cáo kết quả và tiến độ mua sắm về Bộ Y tế”, công văn yêu cầu.

Trong trường hợp vẫn chưa mua sắm được, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế thành phố tìm mọi cách huy động các nguồn lực của địa phương và xã hội để có vật tư, túi máu… phục vụ công tác cung ứng máu điều trị cho người bệnh. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành; hỗ trợ Sở Y tế, bệnh viện mua sắm hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện nếu Sở Y tế không đáp ứng được công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu trong tháng 11/2023.

Gỡ nút thắt mua sắm vật tư y tế ảnh 1

Khi bệnh viện có đầy đủ vật tư y tế, việc điều trị cho bệnh nhân sẽ được tốt hơn. Ảnh: BẮC SƠN

Việc đấu thầu, mua sắm thuốc được cải thiện

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (sáng 1/11), Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu ý kiến giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận liên quan đến lĩnh vực y tế, trong đó có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ở Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu thuốc được tổ chức ở cả ba cấp: Cấp trung ương, đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 16,5-18% số lượng thuốc toàn quốc; cấp địa phương và các cơ sở y tế tự thực hiện việc mua sắm. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập xuất hiện nhiều hơn sau dịch Covid-19 do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về bảo đảm nguồn cung và việc thực hiện mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Đến nay, các cơ sở y tế đã triển khai theo các quy định. Về bảo đảm nguồn cung thuốc, thiết bị y tế trên thị trường, Bộ Y tế tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn thuốc, đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay là hơn 22.000 thuốc, hơn 100.000 chủng loại trang thiết bị y tế còn hiệu lực.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt đối với các thuốc hiếm; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các đơn vị y tế trực thuộc bộ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đấu thầu tập trung quốc gia; tăng cường công bố thông tin phục vụ đấu thầu; rà soát các vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm thuốc, trang, thiết bị y tế để giải quyết theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận, việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã đạt được kết quả tích cực bước đầu song, vẫn xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế địa phương. Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10/2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng thuốc cho hoạt động khám, chữa bệnh; 38,59% đơn vị báo cáo có tình trạng thiếu cục bộ. Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu bảo đảm cơ bản cho công tác khám, chữa bệnh.

Tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. “Nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Theo đại biểu, khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.