Gỡ “nghẽn” đấu thầu thuốc và vật tư y tế

Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế thường chỉ xảy ra cục bộ ở một số loại và muốn đáp ứng đủ nhu cầu thì bệnh viện phải chủ động trong việc dự báo tình hình, áp dụng linh hoạt các giải pháp nhưng cần tuân thủ đúng quy định.
Các bệnh viện cần chủ động trong dự trù, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế. Ảnh: NAM HẢI
Các bệnh viện cần chủ động trong dự trù, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế. Ảnh: NAM HẢI

Nhiều văn bản mở lối

Ông Nguyễn Đình Bắc (75 tuổi) được chẩn đoán gẫy cổ xương đùi do bị trượt ngã trong sinh hoạt từ đầu tháng 7, nhưng các bác sĩ Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) hẹn sang tháng 8 mới có thể phẫu thuật, thay khớp háng vì hết vật tư. Tuổi cao, các xét nghiệm cho thấy đủ điều kiện để phẫu thuật nên gia đình ông Bắc mong muốn được mổ sớm, sau đó tập phục hồi chức năng để ông trở lại cuộc sống bình thường.

Thông thường, số lượng thuốc và vật tư y tế mua sắm của BV Hữu nghị Việt Đức luôn ở mức 130% kế hoạch, có nghĩa là đã tính cả tình huống bất thường. Thế nhưng, thời gian qua, số lượng bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới và cơ sở y tế khác đến BV ngoại khoa hạng đặc biệt này rất đông. Thực tế này đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc dự trù vật tư y tế.

Trả lời câu hỏi của báo chí bên lề hội thảo phổ biến nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Đầu thầu 2023, thay thế Luật Đấu thầu 2013, diễn ra ngày 2/8, tại Hà Nội, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức khẳng định, thời gian khó khăn nhất về thuốc, vật tư y tế của BV đã qua.

Theo ông Dương Đức Hùng, sau một thời gian thiếu thuốc, vật tư y tế, đến nay, BV đã mua sắm, đấu thầu có kết quả. Từ ngày 1/1/2024, Luật Đấu thầu bắt đầu có hiệu lực, sau đó, một loạt nghị định, thông tư hướng dẫn được ban hành. Những văn bản này đã cơ bản tháo gỡ được khó khăn cho các BV.

Đơn cử như trước đây, khi bỏ quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhiều mặt hàng chất lượng không đáp ứng yêu cầu nhưng vì giá rẻ nhất nên vẫn trúng thầu, từ đó ảnh hưởng chất lượng điều trị. “Chẳng hạn, băng dính, vì giá rẻ nhất nên đã có những loại khi bóc ra lột cả một phần da người bệnh. Dù vậy, có những giai đoạn không thể mua được loại tốt vì tiêu chí kỹ thuật xây dựng cho một cuộn băng dính là khó”, ông Dương Đức Hùng dẫn chứng.

Tuy nhiên, đến nay khi đã có quy định mới, hướng dẫn không nhất thiết mua giá thấp nhất và việc đưa nguồn gốc xuất xứ, tiêu chí chất lượng vào đã giúp các cơ sở y tế mua sắm được hàng tốt, phù hợp với nhu cầu, giá cả hợp lý và tuân thủ đúng quy định. Riêng về vấn đề thuốc điều trị, ông Dương Đức Hùng cho biết, thuốc có khái niệm tương đương sinh học, tức là nếu không có thuốc này thì có thể thay bằng thuốc khác với tác dụng tương đương. Tuy nhiên, hiện BV thiếu những thuốc không có để thay thế và không mua sắm được.

“Đó là những thuốc đang thiếu ở khắp hệ thống BV công như: Albumin và Gamma Globulin, bởi vì khi đấu thầu không có một hãng hoặc nhà phân phối nào tham gia đấu thầu. Loại thuốc này lại rất cần trong lâm sàng, đặc biệt cho ca bệnh nặng. Tại bệnh viện, bệnh nhân dùng loại thuốc này rất nhiều nhưng lại không có trong danh mục dược nội trú, nên buộc phải mua bên ngoài”, ông Dương Đức Hùng lý giải. Thuốc gây mê cũng không có loại thay thế, trong khi BV Hữu nghị Việt Đức phải dùng rất nhiều loại thuốc này do trung bình mỗi ngày có tới 270 ca mổ phiên và 30-40 ca mổ cấp cứu.

Khi Thông tư hướng dẫn mua thuốc đấu thầu được ban hành vào đầu tháng 5/2024, các BV đã làm hồ sơ để mua. Thời điểm đó, BV Hữu nghị Việt Đức phải làm ngày, làm đêm để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thầu để mua thuốc mê vừa phải điều tiết, giảm bớt những ca mổ không cấp bách. Hiện tại, vấn đề thuốc mê đã được giải quyết xong và số lượng ca mổ đã tăng trở lại.

Tại BV Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận từ 8.000 đến 10.000 người dân tới khám bệnh. Có thời điểm, BV này rơi vào cảnh thiếu trầm trọng máy móc, trang thiết bị y tế.

Để khắc phục, Giám đốc BV Đào Xuân Cơ cho biết, sau khi có một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế của Chính phủ và Bộ Y tế, từ cuối năm 2023, BV đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm máy móc, thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác chuyên môn. Từ đầu năm 2024 đến nay, BV đã khai trương và đưa vào sử dụng hàng loạt hệ thống thiết bị y tế hiện đại bao gồm: 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, 19 hệ thống nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi...“Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, BV Bạch Mai có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động. Nhờ đó, bệnh nhân có chỉ định chụp cộng hưởng từ về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải chờ đợi”, ông Đào Xuân Cơ nói.

Gỡ “nghẽn” đấu thầu thuốc và vật tư y tế ảnh 1

Nhiều bệnh viện đã khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để phục vụ công tác điều trị.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Theo Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do một số nguyên nhân khách quan và đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết vấn đề khi lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho cơ quan cấp trên.

Mới đây, Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu (như lãnh đạo sở y tế, lãnh đạo bệnh viện) trong lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khám, chữa bệnh; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế, đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương của các cơ sở y tế trực thuộc các bộ, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi các cơ sở y tế này có nhu cầu theo đúng quy định.

Theo Bộ Y tế, hiện việc xây dựng kế hoạch và tổ chức lựa chọn nhà thầu thuốc, vật tư được xây dựng theo 3 cấp: cấp quốc gia (Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia), cấp địa phương (sở y tế) và cấp cơ sở (đơn vị, BV). Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, chữa bệnh khi người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, vật tư hoặc chi tiền túi mua thuốc, vật tư nằm trong danh mục BHYT nhưng BV không còn. Trong nhiều văn bản liên quan vấn đề đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế gần đây, lãnh đạo Bộ Y tế nhìn nhận hiện quy định của pháp luật về đấu thầu “đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ”. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ, một phần lý do là các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo bảo đảm cung ứng thuốc như thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...

Công khai, minh bạch, không có dấu hiệu tham nhũng

Mới đây, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin về các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại một số BV hiện nay. Ông Tuyên đã chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách mới được ban hành nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Thứ nhất, cho sử dụng 1 giấy báo giá (thay vì 3 giấy báo giá như trước) hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn. Mua thiết bị, hóa chất là phải có hội đồng của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất để tránh tình trạng mua về nhưng không dùng được. Thứ hai, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế (tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu). Thứ ba, quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu. Thứ tư, được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.

Lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu, việc tổ chức thực hiện tại cơ sở phải công khai, minh bạch và không có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong thực hiện việc này.