Theo số liệu trong Báo cáo về thị trường trái phiếu quý III/2023 do Công ty Chứng khoán VNDirect vừa công bố, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có những tín hiệu tích cực nhưng danh sách các đơn vị chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên. VNDirect ước tính, tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này khoảng 176.100 tỷ đồng, chiếm 17,8% dư nợ TPDN toàn thị trường.
Doanh nghiệp “khất nợ”
Cũng theo báo cáo của VNDirect, trong quý III/2023, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và trái chủ diễn ra khá sôi động. Tính đến ngày 3/10, có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận, với tổng giá trị trái phiếu được gia hạn là hơn 95.200 tỷ đồng, nhiều lô được gia hạn thêm thời gian hai năm.
Theo đó, áp lực TPDN đáo hạn trong những tháng còn lại của năm giảm khoảng hơn 26% và tiếp tục kéo dài đến quý I/2024. Tuy nhiên, sau đó sẽ tăng mạnh trở lại vào quý II/2024.
Đồng quan điểm với VNDirect, FiinGroup cho biết, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì khả năng trả nợ vay TPDN là một vấn đề đáng lo ngại. Thống kê của FiinGroup cho thấy, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong hai quý cuối năm 2023 ở mức 104.800 tỷ đồng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản là 37.100 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng 24.000 tỷ đồng và lĩnh vực khác là 20.000 tỷ đồng.
FiinGroup nhận định, đây là thách thức không nhỏ, không chỉ với các doanh nghiệp bất động sản mà còn với các ngành liên thông. Số liệu của FiinGroup cũng chỉ ra áp lực trái phiếu sẽ ngày càng nặng nề ở năm 2024 là 288.100 tỷ đồng, năm 2025 là 194.200 tỷ đồng.
Bên cạnh áp lực chi trả trái phiếu sắp đến hạn, các doanh nghiệp phát hành còn đối mặt với nguy cơ nợ xấu trái phiếu. FiinGroup cho biết, có 118 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 165.000 tỷ đồng tính đến 30/6/2023, trong đó 109.000 tỷ đồng chậm trả đã đáo hạn từ năm 2022, tương đương bằng 11,8% giá trị TPDN đang lưu hành.
Đáng lưu ý, có 79 tổ chức vi phạm nghĩa vụ nợ và 44 tổ chức có TPDN đến hạn nhưng đã được tái cơ cấu nợ, được thực hiện chủ yếu sau khi Nghị định 08/2023 về cho phép cơ cấu lại nợ TPDN có hiệu lực.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, VNDirect cho rằng, do bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn.
Chia sẻ rõ hơn về tình trạng khó khăn trong công tác xử lý nợ trái phiếu, đại diện nhóm doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, nhiều tổ chức phát hành cũng rất nỗ lực trong việc tìm cách trả nợ cho trái chủ, trong đó việc trả nợ bằng bất động sản là giải pháp được lựa chọn để đưa ra đàm phán nhiều nhất, nhưng rất ít trái chủ chấp nhận. Bởi lẽ, những tài sản này chưa có pháp lý đầy đủ, hoặc giá tính để trả cho trái chủ không hấp dẫn.
Theo quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, trong thời hạn ba tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo nghị định này và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và còn dư nợ phải thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch.
Sau hai tháng đi vào vận hành của sàn giao dịch tập trung, mới chỉ có 100 mã trái phiếu của 29 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký. Như vậy, còn hàng nghìn mã trái phiếu riêng lẻ sẽ phải đưa lên sàn trong những tháng cuối năm. Bất chấp thực tế đó, có nhiều nhận xét cho rằng, các tổ chức, doanh nghiệp chấp nhận phạt theo Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, còn hơn là đưa lên sàn. Với những trái phiếu chất lượng chưa đạt, các nhà phát hành cố gắng mua lại trái phiếu. Nếu khiên cưỡng đưa lên sàn và tiếp tục bị chậm trả nợ, đó sẽ là đòn “gậy ông đập lưng ông” đối với chính tổ chức hay doanh nghiệp phát hành.
Nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”
Những khó khăn của các tổ chức phát hành TPDN không chỉ thể hiện qua các con số thống kê. Mới đây, Công ty TNHH Saigon Glory - chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon đã khiến các nhà đầu tư lo lắng khi “vỡ” cam kết thanh toán lượng trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng. Đơn vị phát hành là Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Theo dữ liệu của Sở GDCK Hà Nội (HNX), năm 2020, Saigon Glory phát hành lượng trái phiếu này để thực hiện dự án The Spirit of Saigon, một Dự án khu văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, khách sạn ở ngay trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là công trình có vị trí “vàng” khi nằm đối diện chợ Bến Thành.
Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, công ty liên tục chậm thanh toán lãi, dự án The Spirit of Saigon thì “cửa đóng then cài”, không có công nhân làm việc hay ra vào, có dấu hiệu của việc dừng thi công.
Theo một thông báo của TVSI, công ty không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Saigon Glory để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ nên tài sản bảo đảm trái phiếu sẽ được xử lý. Sau đó, Saigon Glory có văn bản khẳng định sẽ phối hợp cung cấp và bàn giao theo đúng quy định tại hợp đồng bảo đảm và điều kiện phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng danh mục hồ sơ, tài liệu của tài sản bảo đảm cơ bản đã bàn giao cho ngân hàng tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp, nên giờ "chỉ bàn giao bổ sung hồ sơ dự án".
Nhìn vào những lý do tổ chức phát hành đưa ra, có thể thấy, khả năng thu hồi lại được khoản đầu tư của các trái chủ đang rất mong manh. Giả sử nếu được cũng sẽ mất thời gian tính bằng năm.
Thực tế, Saigon Glory không phải là trường hợp cá biệt trên thị trường TPDN. Bởi lẽ, câu chuyện xin giãn, hoãn trả nợ lãi gốc đến hạn của doanh nghiệp lâu nay ai cũng hiểu chỉ là biện pháp tình thế, đến thời gian gia hạn các tổ chức phát hành vẫn phải bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ. Trên thị trường, có không ít lô trái phiếu đã được xin giãn, hoãn đến lần thứ 4, thứ 5 nhưng dù có giãn, hoãn bao nhiêu lần nữa thì nghĩa vụ thanh toán vẫn luôn hiện hữu.
Bà T. đã về hưu, ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Trước đây được các bạn nhân viên ngân hàng nơi bà gửi tiết kiệm tư vấn nên đã chuyển phần lớn tiền gửi sang mua trái phiếu. Bà có ba mã trái phiếu của các công ty họ Hưng Thịnh, đều đã đến hạn vào tháng 2, 3, 6 của năm nay, nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thấy “tăm hơi” từ phía nhà phát hành. Bà T. đang lo lắng về số tiền mua trái phiếu cả tỷ đồng của mình. Đó là khoản tiết kiệm sau nhiều năm công tác của bà.
Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, thị trường trái phiếu đang có dấu hiệu “ấm” lên lại khi khối lượng phát hành đã tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, Tổng giám đốc FiinRatings, hầu hết các phát hành mới này đều để tái cấu trúc nợ, và tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn, nhất là khi khối lượng nợ vẫn còn nhiều và không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng trả nợ đúng hạn. Đồng thời, không nên quá kỳ vọng doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Ngay cả khi sàn giao dịch trái phiếu - được xem là chiếc “pháo cứu sinh” của thị trường được đưa vào hoạt động, thì khả năng được giao dịch để thu hồi khoản đầu tư cũng rất khó khăn. Theo thống kê từ HNX, từ ngày 19/7 đến 2/10, tổng khối lượng giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ đạt hơn 83 triệu trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 22.000 tỷ đồng.
Hạn chót mà các doanh nghiệp phải đưa trái phiếu lên sàn giao dịch tập trung là ngày 19/10 nhưng giới phân tích nhận định, rất khó để đạt tiến độ do còn quá ít thời gian. Đặc biệt, nhiều mã trái phiếu về bản chất là kém chất lượng nên doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để chưa phải niêm yết.
Từ những vấn đề hiện hữu của thị trường, bối cảnh chung, trong tương lai gần, việc xử lý khối nợ trái phiếu tiếp tục là bài toán khó. Việc giãn, hoãn nợ vẫn sẽ diễn ra, nhà đầu tư sẽ phải nối dài chuỗi ngày “ra ngóng, vào trông”, chưa biết khi nào có thể thu được tiền.