50% số bộ, cơ quan T.Ư giải ngân dưới 10% kế hoạch
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, nửa đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 27% kế hoạch. Còn tới 50% số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng giao. Đặc biệt, bốn cơ quan trung ương (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Hội Nhà văn Việt Nam) đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Đánh giá về tình hình trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có những nguyên nhân mang tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm; còn lại có nguyên nhân do chủ quan, khách quan, do đặc thù của từng năm. Thí dụ như do giải phóng mặt bằng chậm; do năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; do công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để...
Chưa kể, năm 2022 lại có những nguyên nhân rất đặc thù, như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án; rồi đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…
Hơn nữa, năm 2022 tuy là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên. Trong khi, kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7/2021, nên thực tế đầu năm nay, chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Trong khi đó, các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, cho nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được.
Nhiều dự án chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng. Ảnh: NGUYỆT ANH |
Cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công diễn ra nhiều năm nay, do đó, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề. Theo vị chuyên gia, có hai điểm nghẽn khiến giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm.
Vấn đề thứ nhất, dù quy định giải ngân vốn đầu tư công rất chặt chẽ, song vẫn còn hiện tượng chồng chéo với một số luật khác. Hơn nữa, quy định nhiều khi không rõ ràng về mốc thời gian nên người thi hành có khi hiểu khác nhau, hoặc vin vào đó để lấy lý do trì hoãn. Vì thế, cần thiết quy định rõ mốc thời gian thực hiện, thực hiện trong bao lâu. Đi đôi với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ.
Vấn đề thứ hai là giải phóng mặt bằng. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nhìn sang Trung Quốc, đất nông nghiệp không phải là đất của dân mà là của hợp tác xã, nên khi đền bù chỉ có chính quyền và hợp tác xã thỏa thuận là xong. Hay các nước tư bản, họ thường dùng giá cả theo cơ chế thị trường để giải quyết sòng phẳng. Khi đầu tư công trình công cộng thì không được phép trì hoãn giao đất.
Còn ở Việt Nam, chúng ta đã giao quyền sử dụng đất cho dân. Dù có lợi ở một số góc độ nhưng việc thu hồi đất rất phức tạp, chưa kể giá đền bù thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Thực tế, có trường hợp chỉ mỗi việc đền bù giải phóng mặt bằng để làm cổng của ga tàu điện ngầm nhưng 5 năm chưa đâu vào đâu.
Vấn đề cần tháo gỡ tiếp theo là cơ chế đấu thầu. Hiện nay, đang tồn tại thực trạng, từ khâu chuẩn bị đến khâu triển khai thực thi vẫn còn rất “dài dòng”. Trong khi đó, không có quy định nào thể hiện quy trình này phải thực hiện trong vòng bao nhiêu lâu, hay nói cách khác là khung thời gian bắt buộc. Do đó, phải cụ thể hóa một mốc thời gian trong tất cả các quy trình thủ tục và hướng giải quyết tất cả các tình huống xảy ra. Nếu là vấn đề thường xuyên xảy ra thì càng cần có giải pháp cụ thể. Mặt khác, thiếu những quy định cụ thể còn dẫn đến việc “sợ trách nhiệm”, làm giảm hiệu quả của giải ngân đầu tư công.
Giải pháp nữa là rà soát, xem xét các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở có chồng chéo gì để chỉnh sửa đổi, bổ sung ngay, trong đó hướng đến tầm nhìn xa.
Phải sửa đổi, bổ sung luật
Trước những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp yêu cầu phát triển. “Chúng ta cũng không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, rõ ràng, liên tục là điều kiện tiên quyết để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bên cạnh đó, theo vị Bộ trưởng, một yếu tố rất quan trọng là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh: Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.
Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…, thì cũng cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu… Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đánh giá việc giải ngân vốn đầu tư công là chậm hay không thì cần nhìn nhận một cách toàn diện và trong cả một giai đoạn. Tỷ lệ giải ngân thường tăng dần vào thời điểm cuối năm và có xu hướng trở thành quy luật. Đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là vậy, thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán. Việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm cũng chưa khẳng định được tỷ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp.