Giữ ổn định mức thu học phí

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều trường đại học tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022-2023. Ảnh: HẢI NAM
Nhiều trường đại học tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022-2023. Ảnh: HẢI NAM

Khuyến khích các địa phương tăng chi cho cơ sở giáo dục

Cụ thể, đối với học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập:

Đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương. Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì ngân sách địa phương bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt.

Khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các bộ, ngành và các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý tổ chức triển khai thực hiện.

Giữ ổn định mức thu học phí ảnh 1

Một buổi báo cáo khoa học tại Trường cơ điện Hà Nội.

Một số trường đại học dừng tăng học phí

Năm học 2022-2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021-2022. Theo Nghị định, từ năm học 2022-2023, học phí đại học công lập sẽ tăng ở tất cả các ngành học với mức trần học phí từ 12 đến trên 60 triệu đồng/năm học 10 tháng, tùy theo mức độ tự chủ của các trường.

Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, xác định mức trần học phí tối đa hệ số hai lần so với cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khuyến nghị các trường đại học công lập sẵn sàng thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc không tăng học phí năm này để phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua hai năm dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Hiện, đã có vài trường đại học tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học này.

Cụ thể, Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã ra thông báo về việc tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm học 2022-2023. Theo đó, trường sẽ giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022. Học phí với chương trình đào tạo đại trà 354.000 đồng/tín chỉ và chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ. Với những sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, trường sẽ trừ phần chênh lệch vào đợt học phí ở học kỳ tiếp theo. Trước đó trường đã công bố áp dụng mức thu học phí mới đối với sinh viên theo học tại trường.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng thông báo học phí đợt 1 của học kỳ 1 năm học 2022-2023 sẽ tạm thu theo mức học phí cũ của năm học trước. Trường đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng mức thu học phí được giữ nguyên như năm học trước, với các chương trình đào tạo chuẩn khoảng 17-25 triệu đồng, tùy vào số lượng tín chỉ sinh viên đăng ký. Học phí các chương trình tiên tiến bằng 1,3-1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành; các chương trình đào tạo quốc tế học phí từ 25-30 triệu đồng/học kỳ, tùy theo từng chương trình.

Trường đại học Đà Lạt cũng tạm thời chưa tăng học phí năm nay. Hiện, học phí của Trường đại học Đà Lạt phụ thuộc vào số tín chỉ sinh viên đăng ký trong học kỳ, trung bình khoảng 6 triệu đồng/học kỳ. Trường đại học Nha Trang cũng tạm thời chưa áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81, giữ ổn định mức thu như năm 2021. Trường đại học Đà Lạt cũng tạm dừng tăng học phí năm học này.

Về học phí đại học, từ tháng 5/2022, hàng loạt trường đại học công lập đều công bố điều chỉnh mức thu học phí năm học 2022-2023 lên theo khung của Nghị định 81. Trong đó các trường tự chủ và nhóm trường đào tạo ngành y dược có mức tăng học phí khá cao.

Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố lộ trình tăng học phí giai đoạn 1 (2021-2023). Học phí năm 2022 ngành y khoa (chất lượng cao) 66 triệu đồng, dược học (chất lượng cao) 60,5 triệu đồng, răng hàm mặt (chất lượng cao) 96,8 triệu đồng. Học phí năm 2023 tiếp tục tăng: Ngành y khoa 72,6 triệu đồng, dược học 66,55 triệu đồng và răng-hàm-mặt 106,480 triệu đồng. Mức thu học phí cho từng khóa học sẽ được giữ cố định trong thời gian đào tạo. Tháng 7/2022, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh quyết định tăng 10% học phí bậc đại học năm học 2022-2023 một số ngành của ba khóa tuyển sinh năm 2020, 2021 và 2022.

Trong đó mức thu học phí ngành răng-hàm-mặt có mức học phí cao nhất: 77 triệu đồng/năm học, y khoa 74,8 triệu đồng/năm học, dược học 55 triệu đồng/năm học…

Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức học phí năm học 2022-2023 được xây dựng theo Nghị định 81. Mức thu học phí mới áp dụng cho sinh viên năm thứ nhất (khóa 2022) các ngành răng-hàm-mặt và dược học 44 triệu đồng/năm, y đa khoa 42 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại khối đào tạo cử nhân cùng mức 28 triệu đồng/năm học. Trường đại học Y dược Cần Thơ công bố mức học phí trong năm học 2022-2023 cao nhất là 44,1 triệu đồng/năm đối với ngành y đa khoa, răng-hàm-mặt và dược học. Mức thấp nhất của trường này là 29,4 triệu đồng/năm đối với nhóm ngành hộ sinh, kỹ thuật hình ảnh và y tế công cộng. Như vậy, mức thu học phí mới tăng khá cao so với học phí của chương trình đại học chính quy đại trà năm học trước, với 24,6 triệu đồng/năm học.

Về chủ trương tạm dừng tăng học phí năm học 2022-2023, lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết, 2022 là năm đầu tiên nhiều trường thực hiện tự chủ theo tài chính chi thường xuyên. Khó khăn ban đầu là kinh phí của nhà trường bị sụt giảm. Theo quy định, trường có thể tăng học phí nhưng chỉ tăng ở sinh viên những năm tới. Do vậy, năm nay tổng kinh phí hoạt động của trường khó khăn hơn năm trước. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Việc tạm dừng tăng học phí có thể khiến các cơ sở giáo dục đại học công lập, kể cả các trường tự chủ hay chưa tự chủ sẽ gặp khó khăn. Nhưng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn”.