Không khách du lịch nên nhiều địa phương có thời gian nhìn nhận, đánh giá các việc đã thực hiện, tập huấn đội ngũ bảo tồn cũng như xây dựng kế hoạch dài hơi đợi ngày khách đến…
1/Không phải vì không có khách mà các di tích cũng không người trông coi. Tại Mỹ Sơn (Quảng Nam), các nhóm trùng tu vẫn kiểm tra định kỳ hiện trạng của tháp. Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam cho biết, các địa phương vẫn phải cắt cử người trông coi và bảo vệ di tích. “Các di tích do trung tâm quản lý trực tiếp gồm các nhóm tháp Chăm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Khu lưu niệm Võ Chí Công..., luôn có người trực cả đêm lẫn ngày”, ông Cẩm nói.
Với các di tích quốc gia, ngoài đội ngũ thường xuyên bảo vệ, trung tâm còn tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ. Các di tích cấp tỉnh hiện đã đưa về cho địa phương quản lý, bảo vệ. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn cho biết, dù đóng cửa thời gian dài nhưng luôn phải định kỳ kiểm tra các ngôi tháp. “Thường xuyên kiểm tra các vị trí tường tháp có nguy cơ và kịp thời gia cố, chống đỡ cấp thiết, tái định vị các viên gạch rơi để kéo dài tuổi thọ của tháp, thường xuyên phát dọn cây cỏ mọc trên tháp… Trong thời gian đóng cửa, đội ngũ chuyên gia Ấn Độ vẫn trùng tu nhóm tháp H”, ông Phan Hộ nói.
2/Tại Hội An, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An cho biết, trung tâm đã thông báo đến các chủ di tích, đại diện chủ di tích trên địa bàn thành phố phòng, chống dịch tại di tích theo hướng dẫn của ngành chức năng. Tại các điểm bảo tàng, di tích do trung tâm trực tiếp quản lý, dù không đón khách tham quan nhưng cũng phân công nhân viên trực phòng cháy chữa cháy và bảo vệ hiện vật. “Ngoài thực hiện nghiêm túc 5K, người lao động của trung tâm ưu tiên giải quyết công việc ít tiếp xúc với người ngoài như xử lý và lập phiếu hiện vật bảo tàng, xử lý tư liệu lưu trữ, bổ sung hoàn thiện hồ sơ quản lý di sản, xây dựng phương án phát huy di tích đình Ông Voi, xây dựng đề án thành lập bảo tàng chuyên đề “Con đường hương liệu, dược liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam”, hoàn thiện bản thảo sách để in ấn, xuất bản”, ông Ngọc cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Lĩnh, quản lý di tích nhà thờ tộc Trần tại Hội An cho biết, đây là một trong 13 điểm di tích được hỗ trợ từ Nghị quyết số 18 do HĐND tỉnh thông qua với mức 5 triệu đồng/di tích. Theo đó, từ đầu tháng 7 đến tháng 12, Quảng Nam triển khai hỗ trợ cho các di tích tư nhân có tên trong ô vé tham quan phố cổ Hội An để bù một phần chi phí bảo tồn. Ông Lĩnh nói, trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu cũng rất đáng quý nhằm phụ giúp thêm cho nhà thờ bảo dưỡng di tích cũng như thuê người lo hương đèn, lau chùi, dọn dẹp. Hầu như tất cả di tích tại Hội An hiện nay dù phải đóng cửa nhưng thành viên của tộc họ vẫn có người phân chia nhau đến trông nom, bảo vệ.
3/Tương tự, hầu hết di tích, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh đến nay đều tạm ngưng hoạt động, tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại TP Tam Kỳ, ông Nguyễn Hữu Đắc, Trưởng phòng Văn hóa thành phố cho biết, đối với Văn thánh Khổng miếu, vẫn duy trì các hoạt động vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan, cây xanh trong khuôn viên. Các nhân viên đến làm việc đều tuân thủ nghiêm quy định 5K. Hiện tại, công tác trùng tu các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang phải tạm dừng. Ông Cẩm nói thêm, trước khi dịch bùng phát, các chuyên gia tại Hà Nội đã có những buổi làm việc cụ thể với đơn vị để tiến hành trùng tu các hạng mục của tháp Khương Mỹ và Chiên Đàn. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, mọi công tác đều phải tạm ngưng.
“Theo kế hoạch trong tháng 8, chúng tôi đã phải hoàn thành việc khảo cổ tại di tích tháp Chăm Khương Mỹ đã được UBND tỉnh thông qua. Trước đó, trung tâm đã phối hợp Viện Khảo cổ học cùng các chuyên gia tại Hà Nội lập kế hoạch. Nhưng tình hình dịch chưa yên, cho đến nay không tổ chức được các đoàn khảo sát thì chúng tôi phải làm lại tờ trình và thủ tục xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ông Cẩm nói.