Giữ chùa Cầu - Linh hồn phố cổ Hội An

Sau hơn 2 năm trùng tu, đến thời điểm hiện tại, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thiện và sẽ khánh thành vào ngày 3/8 tới. Trước, trong và sau trùng tu, chùa Cầu nhận được rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân, du khách và những người yên mến Hội An.
0:00 / 0:00
0:00
Sơn lại mầu sơn phía ngoài chùa Cầu, ảnh chụp trưa ngày 30/7.
Sơn lại mầu sơn phía ngoài chùa Cầu, ảnh chụp trưa ngày 30/7.

Cây cầu hơn 400 năm

Chùa Cầu Hội An còn có tên gọi là cầu Nhật Bản hoặc Lai Viễn Kiều, là di tích quốc gia đặc biệt, biểu tượng của giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Chùa Cầu được xây dựng vào thế kỷ 17 do một số thương nhân người Nhật cùng nhau góp tiền nên mới có tên gọi là chùa Nhật Bản. Theo truyền thuyết xa xưa thì chùa Cầu chính là một thanh kiếm đâm vào lưng con quái vật Namazu để nó không quẫy đuôi và không xảy ra động đất. Sau đó một thời gian thì chùa Cầu được xây thêm phần chùa nối vào phần lan can phía bắc và nhô ra giữa cầu. Từ đó cái tên chùa Cầu Hội An ra đời. Đến năm 1719 chúa Nguyễn Phúc Chu đến Hội An và đặt tên cho cầu là Lai Viễn Kiều, mang ý nghĩa “Cầu đón khách phương xa”. Đến ngày 17/2/1990, chùa Cầu Hội An được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia.

Nhiều tài liệu cho thấy, từ khi được xây dựng đến cuối thế kỷ 20, chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996. Dù vậy, do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật và nhiều yếu tố khách quan khác nên những lần tu bổ gần đây vẫn chưa giải quyết căn cơ đối với những nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp di tích và cầu đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, mỗi ngày chùa Cầu phải đón hơn 10 nghìn lượt du khách qua lại nên việc trùng tu là rất cần thiết.

Theo lãnh đạo TP Hội An, để chuẩn bị cho đợt “đại phẫu”, Hội An đã tổ chức rất nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn rất nhiều nhà khoa học, kể cả các chuyên gia Nhật Bản. Trong quá trình thực hiện đã bảo đảm đầy đủ các nguyên tắc công khai, minh bạch; du khách vẫn tham quan khi di tích đang trùng tu. Ngày 28/12/2022, UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ di tích chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) - biểu tượng của di sản văn hóa thế giới Hội An. Dự án được triển khai với tổng kinh phí 20,2 tỷ đồng, do UBND thành phố Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An quản lý. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ.

Với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể, từng thanh đá, viên gạch, ngói đến khối xây; từ cấu kiện gỗ hệ sàn (đà, dầm, ván sàn), khung, rui mái đến từng chi tiết con ke, ván vách; từ con giống, đoạn bờ mái đến từng chi tiết hoa văn gốm, đĩa cổ… đều được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu bóc tách các thành phần hư hỏng, cố gắng giữ lại tối đa có thể những thành phần còn tốt, sử dụng kỹ thuật thi công truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại để gia cố, gia cường sự chắc chắn để tận dụng lắp dựng lại. Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê sau: có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.

Giữ chùa Cầu - Linh hồn phố cổ Hội An ảnh 1

Bên trong chùa Cầu sau trùng tu, ảnh chụp sáng ngày 30/7.

Linh hồn phố cổ Hội An

Những ngày qua, dư luận xôn xao, với rất nhiều ý kiến khen chê trái chiều sau khi hình ảnh chùa Cầu sau trùng tu được công bố. Nhiều người cho rằng, chùa Cầu mới trùng tu có diện mạo quá trẻ so lịch sử có mặt hơn 400 năm qua. Những ý kiến khen chê này đều vì một tình yêu quá đỗi với phố cổ Hội An. Và cũng dễ hiểu bởi vì tình yêu quá lớn đối với một di sản nổi tiếng nên bất kỳ một vấn đề gì dù lớn dù nhỏ xảy ra/diễn ra nơi này, đều được dư luận chú ý.

Trước những dư luận ấy, ngày 30/7, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa phát đi thông báo về những quan điểm, nguyên tắc, giải pháp đã áp dụng trong quá trình tu bổ di tích chùa Cầu. Theo đó, với quan điểm áp dụng là thực hiện đồng thời bảo tồn giá trị và duy trì chức năng của di tích và mọi hoạt động can thiệp đều được tính toán trên cơ sở tôn trọng lịch sử, bảo đảm tính khoa học và khách quan. Tu bổ phải bảo đảm giữ lại tối đa các dấu tích vật chất hiện hữu, xác thực hàm chứa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích chùa Cầu, qua đó, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị kiến trúc, nghệ thuật đã tạo nên hình ảnh biểu tượng của Hội An… với những nguyên tắc cơ bản và giải pháp gồm bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc cấu thành di tích (miếu, cầu, dòng chảy, các cấu trúc khảo cổ, thành phần giao thông gắn liền). Đồng thời, hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết, tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên các giá trị của di tích. Trong trường hợp buộc phải can thiệp, ưu tiên bảo quản, phải gia cường trước khi áp dụng các giải pháp tu bổ, tôn tạo, phục hồi; sử dụng chủ yếu các thủ pháp và kỹ thuật tu sửa truyền thống, đặc biệt tuân thủ thuộc tính lắp ghép của cấu trúc nhằm không gây ra sự xáo trộn thể tĩnh học công trình. Cùng với đó, không cản trở các thế hệ sau trong việc nghiên cứu cũng như duy tu, bảo dưỡng di tích. Ngoài ra, phải giữ lại tối đa các thành phần, cấu kiện cổ và cũ, không loại bỏ nếu vẫn còn khả năng cứu vãn bằng các kỹ thuật nối, vá, chắp, gắn kết hoặc gia cường bằng phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại… Trong điều kiện bắt buộc phải thay thế thì phải sử dụng những chủng loại vật liệu tương tự vật liệu gốc, không sử dụng vật liệu làm giả. Việc gia công và lắp ghép các cấu kiện mới này vào cấu trúc cũ cần sử dụng những phương thức truyền thống. Các mảng sơn thếp vàng còn sót lại, nếu ở tình trạng khả dĩ, dù không toàn vẹn, cũng không cạo xóa đi mà phải giữ lại, bên cạnh những mảng mới sơn phủ. Các thành phần thay thế, bổ sung phải được phân biệt với các thành phần gốc để tránh sự nhầm lẫn, đặc biệt là các cấu kiện gỗ. Không sử dụng những kỹ thuật, thủ pháp dễ tạo ra sự nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới, công khai phần mới thay vào, bộc lộ rõ quan điểm và kỹ thuật trùng tu, để chúng tự nhuốm màu thời gian một cách tự nhiên, không gượng ép.

Với những ai yêu mến Hội An và chí ít một lần thưởng thức “đặc sản” lũ lụt nơi này, sẽ được ngắm trọn một Hội An bao quanh trung lũ. Và có nhiều mùa lũ, chùa Cầu nước lũ ngập nặng và chảy băng qua. Với một di tích sống, với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt của miền trung, để có được “màu thời gian” rất cũ của một chùa Cầu trong các tư liệu cũ xưa, hẳn ai cũng phải chờ đợi. Với chùa Cầu Hội An cũng thế. Cây cầu mang sứ mệnh lịch sử, văn hóa, nhưng cây cầu đang làm sứ mệnh phục vụ du lịch, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ngói lợp và trang trí nề ngõa trên mái tuy là vật liệu làm bằng đất nung, vôi vữa và dễ phục chế, song chúng cũng là nhân chứng của thời gian, của các đợt duy tu, cho nên đã được tái sử dụng tối đa…