Gian nan hành trình chữa vô sinh, hiếm muộn

Nếu như 10 năm trước, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) mỗi ngày chỉ đón tiếp một vài trường hợp vô sinh, hiếm muộn thì nay, con số này đã tăng lên khoảng 100 cặp vợ chồng/ngày. Đây thật sự là một hành trình gian nan…

Chuyên viên phôi học thực hiện tìm trứng.
Chuyên viên phôi học thực hiện tìm trứng.

Khát khao tìm “trái ngọt”

Gần 15 năm gắn bó với công việc điều trị vô sinh, hiếm muộn tại Bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư, PGS, TS Nguyễn Xuân Hợi đã thực hiện chữa trị cho hàng nghìn ca, trong đó rất nhiều em bé đã chào đời nhờ được thụ tinh trong ống nghiệm.

Khác với các lĩnh vực khác, chữa trị vô sinh, hiếm muộn là một hành trình gian nan, vất vả mà đằng sau mỗi bệnh nhân đều là một nỗi niềm, câu chuyện riêng. Không ít những gia đình hàng chục năm lấy nhau, cầm cố hết sổ đỏ, tài sản trong nhà mới có được mụn con. Thậm chí nhiều người đã ngoài 50 tuổi nhưng mới lần đầu tiên có được cảm giác làm bố, làm mẹ. Họ hạnh phúc trào nước mắt, không dám tin vào sự thật.

Cho đến bây giờ, vị bác sĩ này vẫn không thể quên được cảm xúc vỡ òa của cặp vợ chồng gần 60 tuổi ở Lào Cai khi đón đứa con được thụ tinh trong ống nghiệm. Theo bác sĩ Hợi, đây là một trường hợp đặc biệt bởi khi tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sức khỏe sinh sản, cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi. Kể với bác sĩ, người vợ tên H. nức nở cho biết, người con trai duy nhất của gia đình không may mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông.

Cả hai vợ chồng đã định nén nỗi đau, sống dựa vào nhau đến cuối đời, thế nhưng ở tuổi gần 60, chị H. vẫn khao khát được làm mẹ. Niềm mong mỏi sớm có con, khiến chị chạy chữa khắp mọi nơi, dùng đủ mọi cách thậm chí không ngần ngại nhờ cả thầy cúng, uống “bùa ngải”… nhưng vẫn không có kết quả. “Khi đến gặp tôi, cả hai vợ chồng như đã ở đáy của sự tuyệt vọng. Sau khi khám tổng thể, tôi phát hiện chị H. bị suy buồng trứng. Muốn có con buộc phải xin trứng từ người khác. Rất may, trong lần đầu thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), cặp vợ chồng này đã thành công. Sau 38 tuần mang thai, người vợ đã hạ sinh một bé trai nặng 3,1 kg. Bế con trên tay, cả hai vợ chồng đều nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt”, bác sĩ Hợi xúc động nhớ lại.

Không phải ai cũng được mỉm cười

Vị chuyên gia này cho biết, trong số những người đến chữa trị vô sinh, hiếm muộn, không phải ca nào cũng thành công. Trong điều trị lĩnh vực này, tỷ lệ thành công chiếm khoảng hơn 60%. Vẫn còn hơn 30% y học đành “bó tay” mà không tìm được nguyên nhân…

“Có cặp vợ chồng thực hiện tám đến chín lần chuyển phôi đều hỏng. Mỗi lần như vậy, họ như ngất lịm, hoảng loạn mà không chấp nhận sự thật. Thậm chí, nhiều người vợ đau đớn đến mức trầm cảm, phát điên phải đi điều trị tâm lý. Đây có lẽ là điều đau lòng nhất mà không bác sĩ nào mong muốn phải chứng kiến”, bác sĩ Hợi trầm ngâm kể.

Ông Hợi ám ảnh nhất là trường hợp của một bệnh nhân tên M. (28 tuổi, Bắc Giang). Theo đó, chị M. bị lạc nội mạc tử cung, tắc hai vòi trứng. Sau năm lần IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) và hai lần IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) không thành công, chị bị trầm cảm phải điều trị hơn năm trời ở Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Điều đáng tiếc là những trường hợp như chị M. không hiếm. Trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn nhiều cặp vợ chồng không chỉ chịu nỗi đau về bệnh tật mà còn phải gánh chịu áp lực rất lớn từ định kiến xã hội và sự soi xét của gia đình. Nhiều người phụ nữ bị gia đình chồng hắt hủi, lên án thậm chí là ruồng bỏ vì “tội không biết đẻ”. Ngay cả những người chồng “đầu ấp, tay gối” cũng gây áp lực ly hôn nếu cuộc phẫu thuật không thành công.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, những năm gần đây, BV tiếp nhận hàng vạn ca vô sinh, hiếm muộn đến khám và điều trị. Chỉ riêng trong tuần lễ hỗ trợ khám vô sinh miễn phí (từ ngày 22-7 đến 4-8), BV đã tiếp nhận khoảng 2.000 trường hợp.

Đơn cử, vợ chồng anh Ch. (sinh năm 1975) và chị H. (sinh năm 1976) ở Yên Bái, đã hơn 20 năm gian nan điều trị vô sinh, nhưng đều vô vọng. “Năm 2017, vợ chồng tôi quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, song cũng không thành công. Và phải đến lần thứ hai làm IVF, hạnh phúc mới mỉm cười”, anh Ch. kể.

Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Bưu điện Hà Nội), các hành lang ngoài phòng khám, phòng xét nghiệm, phòng chẩn đoán… đều chật kín bệnh nhân. Họ là những gia đình hiếm muộn và gương mặt lộ rõ vẻ lo âu. Đến từ huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, vợ chồng anh Đ. có mặt tại đây từ rất sớm. Vợ chồng anh kết hôn được ba năm, nhưng chưa có con và nguyên nhân là do người chồng.

Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới vô sinh của nhiều cặp vợ chồng, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học (BV chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết: Các trường hợp vô sinh, hiếm muộn rất đa dạng, có thể do vợ hay chồng hoặc cả hai. Trước đây, mọi người đều đổ lỗi nguyên nhân xuất phát từ nữ giới. Thế nhưng ngày nay, với sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới, nhiều nguyên nhân hiếm muộn ở nam giới được tìm ra. Hiện tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ là ngang nhau. Theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả hai vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Bưu điện Hà Nội), cùng với các nguyên nhân bệnh lý, môi trường ô nhiễm, áp lực cuộc sống, sinh hoạt không lành mạnh… là những yếu tố làm gia tăng tình trạng vô sinh, hiếm muộn, đặc biệt ở vợ chồng trẻ.

Gian nan hành trình chữa vô sinh, hiếm muộn ảnh 1

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Hãy gặp bác sĩ sớm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Việt Nam nói riêng và các nước châu Á - Thái Bình Dương nói chung, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn hiện chiếm khoảng 7,7% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tương ứng có từ 700 nghìn - 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Trong đó, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang tăng cao, chiếm hơn 50% số cặp vợ chồng vô sinh và gia tăng hơn các năm trước khoảng 15 - 20%.

Theo Thứ trưởng Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia Nguyễn Viết Tiến, nam giới có tình trạng thể chất, sinh lý bình thường, việc sinh đứa con đầu tiên thuận lợi. Song do quá trình sinh hoạt, người đàn ông thức khuya nhiều, nhất là thói quen uống rượu, bia, hút thuốc lá ảnh hưởng lớn đến chất lượng tinh trùng, gây vô sinh thứ phát. Đối với nữ giới, cũng có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, trong đó có việc dùng triền miên thuốc tránh thai, viêm nhiễm phụ khoa…

Để phòng ngừa và giảm nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, cần tăng cường giáo dục về giới tính, tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai cho thanh, thiếu niên. Đối với các cặp vợ chồng, nên thực hiện lối sống chung thủy, tránh căng thẳng thường xuyên, hạn chế thói quen có hại như uống rượu, hút thuốc lá, thức khuya... Với phụ nữ, khi muốn tránh thai vẫn có thể dùng thuốc, nhưng phải được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, chị em cũng cần giữ vệ sinh, tránh nguy cơ viêm nhiễm...

“Mặc dù tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có dấu hiệu gia tăng, song với nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiến bộ ngày nay, bệnh này hoàn toàn có thể điều trị thành công, nếu được phát hiện sớm, kịp thời”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến lưu ý.