Sự ủng hộ rộng rãi
Ngày 28/5 đánh dấu sự thay đổi trong quan hệ quốc tế với các quyết định chính thức công nhận Nhà nước Palestine từ ba quốc gia châu Âu, gồm hai thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Tây Ban Nha và Ireland, cùng đối tác liên kết chặt chẽ với khối là Na Uy. Động thái này đã đưa số quốc gia công nhận Nhà nước Palestine lên 146 trong tổng số 193 nước thành viên LHQ.
Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy nhấn mạnh mong muốn đẩy nhanh các nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hamas ở Gaza. Quyết định công nhận Nhà nước Palestine nhằm mục đích trên, cũng như thúc đẩy giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine. Ba nước hy vọng các thành viên EU còn lại, cũng như các nước phương Tây sớm hành động tương tự.
Trước Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy, EU đã có 8 thành viên công nhận Nhà nước Palestine, gồm: Thụy Điển, Cyprus, Czech, Slovakia, Ba Lan, Romania, Hungary và Bulgaria. Malta và Slovenia cũng đã xác nhận kế hoạch công bố quyết định tương tự, dự kiến vào hôm nay (30/5). Ngoài EU, Anh và Australia cũng tuyên bố “đang cân nhắc” việc sớm công nhận Nhà nước Palestine.
Trong khi đó, các thành viên hàng đầu EU vẫn do dự, trong đó Pháp cho rằng “giờ chưa phải lúc”, còn Đức giữ quan điểm chung với đồng minh thân cận nhất của Israel là Mỹ bác bỏ “cách tiếp cận đơn phương” và nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán. Quốc hội Đan Mạch cũng không ủng hộ dự luật công nhận Nhà nước Palestine.
Israel chỉ trích các quyết định của Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy, cho rằng đồng thái đó đồng nghĩa “kích động tội ác chống người Do thái” vì ủng hộ các tay súng Hamas, lực lượng đã thực hiện cuộc tấn công đẫm máu ngày 7/10/2023, dẫn tới cuộc xung đột ở Gaza. Israel đã triệu hồi các đại sứ tại 3 quốc gia châu Âu về nước để tham vấn.
Xung đột vẫn leo thang
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã hoan nghênh quyết định của ba nước châu Âu là “chiến thắng vì sự thật và công lý”. Việc có thêm các nước châu Âu ủng hộ người Palestine góp phần củng cố sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine giành các quyền dân tộc hợp pháp. Trước đó, Đại hội đồng LHQ cũng thông qua nghị quyết mới, trao thêm một số quyền cho Palestine với tư cách Nhà nước quan sát viên.
Sự ủng hộ Palestine càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh xung đột tại Gaza chẳng những không có dấu hiệu lắng dịu, mà còn leo thang nguy hiểm hơn, khi Israel tiếp tục chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah, miền nam Gaza, bất chấp phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu chấm dứt chiến dịch. Đặc biệt, cuộc không kích mới nhất hôm 26/5 nhằm vào khu lều trại của người Palestine lánh nạn ở Rafah đã khiến 45 người chết, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Quân đội Israel đã thừa nhận tiến hành vụ không kích trên, song cho biết đã thực hiện một số bước để giảm nguy cơ gây thiệt hại cho dân thường. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói đây là “sự cố thảm họa” đáng tiếc, khẳng định sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng và đưa ra kết luận về vụ việc.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên án vụ không kích của Israel, nhằm vào những người vốn phải di dời để tránh bom đạn. Ông nói: Nỗi kinh hoàng như vậy phải chấm dứt. Cao ủy LHQ về Nhân quyền Volker Turk cũng bày tỏ bàng hoàng trước vụ không kích, đồng thời hối thúc Israel tuân thủ phán quyết của ICJ.
Nhiều nước cũng lên án vụ không kích của Israel nhằm vào Rafah, tiếp tục kêu gọi đàm phán để đạt được lệnh ngừng bắn lập tức tại Gaza, chấm dứt gây thương vong cho dân thường. Hội đồng Bảo an LHQ lên kế hoạch họp khẩn, thảo luận về vụ không kích và diễn biến xung đột ở Gaza.