Giảm thuế để tăng tốc phục hồi kinh tế

Những tháng cuối năm là thời điểm quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Trên con đường chạy “nước rút” này, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách đang phát huy hiệu quả như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất cần tiếp tục được kéo dài ít nhất đến hết năm 2024.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN
Doanh nghiệp kê khai thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: BẮC SƠN

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa được ban hành, Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát để trình QH việc kéo dài thời gian giảm 2% VAT thêm sáu tháng, tức tới giữa năm 2024.

Chạy nước rút để về đích trong ba tháng cuối năm

Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa sẽ kết thúc năm 2023, trong khi theo đánh giá của Chính phủ, nền kinh tế vẫn đối diện nhiều thách thức. Ba động lực tăng trưởng, gồm xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng vẫn là ưu tiên trong điều hành của Chính phủ để phấn đấu đạt tăng trưởng mức cao nhất năm nay.

Theo nhận định của giới phân tích, khó là điều ai cũng có thể nhìn thấy trong những tháng tới, nhưng nếu chắt chiu từng cơ hội, nỗ lực từng hoạt động và chủ động trong bất cứ kịch bản nào sẽ thấy những cánh cửa để hoàn thành được chặng đường của năm nay.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi người dân phải trả ít tiền hơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, còn doanh nghiệp khơi thông đầu ra sản phẩm. Nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.

Theo nhận định của chuyên gia này, khó khăn của nền kinh tế có thể kéo dài tới năm 2024 trong bối cảnh xuất khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, việc kéo dài thời gian giảm thuế 2% là giải pháp hỗ trợ rất thiết thực, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.

Có thể thấy, thời gian qua, việc giảm thuế VAT được người tiêu dùng và doanh nghiệp rất vui mừng. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart cho hay, việc giảm thuế sẽ làm giảm giá thành cuối cùng mà khách hàng sẽ phải trả. Thông qua đó thì nhu cầu của khách hàng sẽ tăng lên và từ đó giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất tăng lên.

Vì vậy, khi Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế VAT trong năm 2024 là tin vui cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, qua hai năm triển khai việc giảm thuế VAT, cái khó nhất của doanh nghiệp là xác định mặt hàng nào thuộc danh mục được áp thuế VAT ở mức 8%, còn mặt hàng nào không do việc tra cứu danh mục hàng hóa rất phức tạp. Do đó, Giám đốc vận hành Hệ thống siêu thị WinMart kiến nghị nên giảm thuế VAT đồng loạt từ 10% về 8% không phân biệt ngành hàng thay vì chỉ áp dụng cho một số ngành nghề như năm 2022 và 2023. Hiện nay khi thực hiện tra cứu các hàng hóa, dịch vụ có được giảm thuế hay không rất phức tạp.

Giảm thuế để tăng tốc phục hồi kinh tế ảnh 1

Kéo dài chính sách giảm VAT sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế.

Cần thêm chính sách

Bên cạnh chính sách giảm thuế VAT, các chuyên gia còn đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ sớm trình QH xem xét hỗ trợ người nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp được miễn giảm các sắc thuế khác.

Theo tính toán của Công ty CP Nội thất Trường Phát (Hà Nội), chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, ô-tô, kể từ khi chính sách giảm thuế GTGT 2% đi vào thực tiễn, mỗi tháng doanh nghiệp có thể tiết kiệm gần 100 triệu đồng tiền mua nguyên vật liệu. Vì vậy, Giám đốc Nguyễn Văn Điều mong muốn bên cạnh việc kéo dài chính sách giảm thuế VAT, Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian giảm thêm các chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất đến hết năm 2024 vì đây là chính sách cắt giảm trực tiếp chi phí cố định cho doanh nghiệp, gỡ khó cho họ về mặt dòng tiền.

Theo ông Điều, tiền thuê đất thường chiếm 20-30% tổng chi phí cố định hằng năm. Do vậy, việc doanh nghiệp được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã giúp tận dụng được nguồn lực tài chính từ số tiền thuế được gia hạn để xoay vòng vốn, tạo đà tăng trưởng cao hơn, từ đó doanh nghiệp quay trở lại đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, một số chuyên gia còn gợi mở thêm, cơ quan quản lý cần rà soát, đánh giá để miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đã áp dụng trong ba năm bùng phát dịch Covid-19.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng, cần thêm các chính sách bổ trợ khác như giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương.

“Việc giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có dòng tiền gối đầu để xoay xở trong lúc khó khăn. Còn việc giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương giúp họ có thêm tiền để trang trải, chi tiêu, qua đó gián tiếp kích cầu, tái tạo dòng tiền. Các chính sách này cộng hưởng sẽ tạo nên hiệu quả cao nhất, từng bước giúp doanh nghiệp vực dậy”, ông Sơn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế dự báo vẫn còn khó khăn thì bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tiền tệ như giảm lãi suất, chính sách tài khóa rất quan trọng giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi. Những chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…, được doanh nghiệp đánh giá rất cao, bởi nó có thể đi nhanh vào thực tế, hỗ trợ trực tiếp về dòng tiền cho người thụ hưởng.

“Chính sách giảm thuế, phí được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bởi nhóm chính sách này đi nhanh vào thực tế, thường không phải qua các khâu triển khai, thực hiện vốn mất nhiều thời gian, có thể cũng không hiệu quả. Thứ hai là nó mang lại lợi ích trực tiếp, theo ngôn ngữ dân dã là “tiền tươi thóc thật” nên doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng, công bằng, minh bạch”, ông Tuấn nói.