Giám sát chặt an toàn thực phẩm

Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm trên cả nước có hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm và đa số được bày bán trên đường phố đều không an toàn. Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu bị nhiễm bẩn rồi điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm không an toàn do được bán dưới lòng lề đường nhiều khói bụi và nhiều vi khuẩn.
0:00 / 0:00
0:00
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: NGUYỄN NAM
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh: NGUYỄN NAM

Mới đây, 360 người bị ngộ độc sau khi ăn ở quán cơm gà nổi tiếng ở Nha Trang (Khánh Hòa), hàng trăm người tiếp tục phải điều trị ở bệnh viện. Sự việc tiếp tục nêu vấn đề cấp thiết: quản lý, giám sát chất lượng thực phẩm tại các quán ăn, nhà hàng, nhất là tại các trung tâm du lịch lớn.

Nguy cơ nhiễm khuẩn thường trực

Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho thấy, nguyên nhân ban đầu được xác định là thực khách bị ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Salmonella. Theo các chuyên gia y tế, Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hồi tháng 4/2022, một số nước châu Âu từng phải cảnh báo và thu hồi kẹo trứng Chocola Kinder vì nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Salmonella. Tại Việt Nam, thời gian qua cũng đã có hàng loạt vụ ngộ độc quy mô lớn do nhiễm vi khuẩn này.

Tháng 9/2023, tại tỉnh Quảng Nam, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra lúc 11 giờ ngày 11/9/2023 tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng (số 2, Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An) làm cho 313 người bị ngộ độc, trong đó có 103 người nước ngoài, trong đó 273 người phải nhập viện. Thức ăn gây ngộ độc là thịt heo xá xíu, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo. Những thành phần trong ổ bánh mì này có vi khuẩn Salmonella. Trước đó, vào tháng 11/2022, sau bữa ăn trưa tại Trường IS School (Nha Trang, Khánh Hòa), đã có 665 học sinh nhập viện, một học sinh tử vong. Món cánh gà chiên là nguyên nhân gây ngộ độc, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella. Theo TS, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm có ba nhóm nguyên nhân chính: Nhóm do vi sinh vật, nhóm do hóa chất và nhóm do các độc tố tự nhiên. Trong đó, nguyên nhân do sinh vật, vi sinh vật chiếm nhiều nhất từ trước tới nay và có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc.

Với vi khuẩn Salmonella, có hai trường hợp gây bệnh theo đường ăn uống. Thứ nhất là một số loại Salmonella chỉ gây nhiễm trùng cấp tính đường tiêu hóa và phần lớn bệnh nhân đều có biểu hiện nhiễm trùng, khởi đầu xuất hiện sốt, tiêu chảy và thường sau một tuần bệnh nhân sẽ có thể hồi phục. Dạng thứ hai là thể nặng và nhiễm khuẩn sâu vào trong cơ thể (thường gọi là thương hàn). Khi đó, trong cơ thể, không chỉ đường tiêu hóa mà các cơ quan khác cũng bị nhiễm Salmonella, đặc biệt nhiễm khuẩn huyết có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều (có thể đến 10%).

“Những trường hợp ngộ độc thực phẩm như đã nêu trên, phần lớn do nguồn nguyên liệu thực phẩm đã nhiễm các vi khuẩn Salmonella từ nơi được nuôi trồng, sản xuất. Vi khuẩn lẫn với nước thải hoặc có từ bên trong đường tiêu hóa của con vật, như gia súc, gia cầm. Hay nó đã khu trú trong một số động vật khiến thực phẩm nếu không được làm sạch, chế biến sạch thì nhiễm khuẩn. Như vậy, nguồn thực phẩm không bảo đảm an toàn và cung cấp tới cơ sở chế biến nhưng tại đây cũng không tuân thủ các quy định nên đã khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt, nó vẫn xuất hiện dẫn tới gây bệnh, gây ngộ độc cho người sử dụng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Giám sát chặt an toàn thực phẩm ảnh 1

Nhiều hàng quán chế biến, bảo quản thực phẩm ngay dưới lòng lề đường.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Mức xử lý còn nhẹ

Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bao gồm: Đủ nước sạch; Có dụng cụ gắp thức ăn chín; Không để lẫn thức ăn chín và sống; Nơi chế biến thực phẩm phải sạch tách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức, khám sức khỏe định kỳ; nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và mầu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60 cm trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh và phải có dụng cụ đựng chất thải.

Bên cạnh đó, việc quản lý về vấn đề an toàn thực phẩm khá chặt chẽ. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương là ba cơ quan được phân công và phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Còn trách nhiệm quản lý đối với phòng chống buôn lậu gia cầm, gian lận thương mại thuộc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ đều tham gia.

Thế nhưng, thực tế vẫn xảy ra các vụ ngộ độc quy mô lớn. Trung tâm chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc. Trong đó ngộ độc thực phẩm là một trong những nguyên nhân hàng đầu và đã để lại nhiều hậu quả nặng nề như tử vong hay bệnh rất nặng.

Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn như “muối bỏ bể”. Theo đó, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu và trình độ quản lý, chuyên môn hạn chế so khối lượng và yêu cầu công việc đặt ra. Tại tuyến xã phường, đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho chuyên môn, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố tại các thành phố lớn thường có diện tích nhỏ, hẹp, hay thay đổi địa điểm kinh doanh gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.

Đơn cử như vụ ngộ độc thực phẩm do Botulinum do ăn pa-tê Minh Chay xảy ra năm 2020 nhưng đến nay không có đơn vị, cá nhân nào bị xử lý. Đây là vụ ngộ độc rất nghiêm trọng. Độc tố Botulinum gây tổn thương não bộ, làm mất đi sự điều hành của các dây thần kinh (đặc biệt thần kinh vận động) khiến bệnh nhân bị liệt. Đặc biệt, điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum rất tốn kém. Khi đó, bệnh viện đều thiếu thuốc giải độc và Bộ Y tế đã phải làm thủ tục để nhập thêm thuốc để điều trị cho các bệnh nhân với giá thành 8.000 USD/lọ với bảo quản vận chuyển đặc biệt. “Điều đó cho thấy, mức độ nguy hiểm của các vụ ngộ độc, cũng như công sức chúng ta phải bỏ ra với các biện pháp xử lý vi phạm là chưa thỏa đáng”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm tại nước ta vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Mặc dù vấn đề này được Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách cụ thể. Cần phải có những giải pháp quản lý, giám sát thật sự hiệu quả đối với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm phải được đề cao hơn nữa. Với người tiêu dùng, ngoài việc quan tâm đến an toàn thực phẩm cũng cần có ý kiến mạnh mẽ và đoàn kết để lên tiếng, thể hiện trách nhiệm của mình với các cơ sở vi phạm.

Các chuyên gia khuyến cáo về các dấu hiệu thường thấy khi bị ngộ độc thực phẩm: Khi chúng ta mới ăn xong một loại thực phẩm nào đó và xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ như tiêu hóa, nôn và các triệu chứng khác… Thường gặp là bệnh nhân nôn rất nhiều, đau bụng, tiêu chảy. Cách sơ cấp cứu tại nhà, tại chỗ đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống các nước có chất khoáng, uống oresol để bù nước, bù muối rất quan trọng. Nếu sau đó bệnh nhân vẫn nôn, không uống được, tiêu chảy mất nước nhiều hoặc có những biểu hiện nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch như tê các chi, nhận thức yếu, co giật… thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.