Giảm dần nhiệt điện than

Việt Nam đang chuyển hướng khỏi nhiệt điện than trong chiến lược năng lượng dài hạn có tầm nhìn đến năm 2045. Việc phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo, giảm dần năng lượng hóa thạch sẽ giúp chúng ta hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Điện than vẫn là một phần trong việc bảo đảm cung ứng điện quốc gia. Ảnh: NAM HẢI
Điện than vẫn là một phần trong việc bảo đảm cung ứng điện quốc gia. Ảnh: NAM HẢI

Nhiệt điện than của Việt Nam đã phát triển rất nhanh, bổ sung 2/3 (11,8 GW) từ công suất điện than đang hoạt động là 18,0 GW kể từ năm 2015. Tuy nhiên, ít nhất 6,0 GW thuộc các dự án điện than trong nước đã bị đình trệ do nhiều lý do khác nhau. Thời gian dài phát triển các dự án điện than cũng làm dấy lên lo ngại rằng các dự án sẽ không được xây dựng đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao. Những khó khăn trong việc xây dựng các dự án điện than cũng khiến chúng ta xem xét lại các kế hoạch năng lượng của mình.

Chúng ta cũng đã chuyển hướng khỏi điện than trong chiến lược năng lượng dài hạn, thúc đẩy việc thay thế các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Từ năm 2016 đến 2020, năng lượng tái tạo đã tăng 484%, hoặc gấp đôi tỷ lệ đã được lên kế hoạch, trong khi năng lượng tái tạo không dùng thủy điện đã tăng lên 26% tổng lượng điện năng của cả nước vào cuối năm 2020.

Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII) đề xuất 40 GW điện than vào năm 2030, giảm gần 50% so với 75 GW được đề xuất trong Quy hoạch điện VII, được công bố năm 2011 và giảm 31% so với kế hoạch 55 GW trong Quy hoạch điện VII sửa đổi, được công bố vào năm 2016. Chính quyền các tỉnh đã yêu cầu hủy bỏ 11,6 GW điện than hoặc chuyển sang các nguồn nhiên liệu khác. Các nhà máy điện than mới cũng sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn hiệu quả nghiêm ngặt hơn.

Những tín hiệu trên hết sức tích cực vì nhiệt điện than là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngay lập tức từ bỏ nhiệt điện than. Và đâu đó, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội vẫn đang có những yêu cầu muốn chúng ta ngay lập tức phải từ bỏ nguồn năng lượng này. Nhưng những yêu cầu này luôn đi kèm với những lý do, những tin tức sai và quan niệm sai lầm. Đó là nhiệt điện than của Việt Nam nhiều nhất thế giới; các nước tiên tiến hàng đầu trên thế giới không còn xây dựng mới nhiệt điện than; đến Trung Quốc cũng đã đóng cửa và giảm mạnh nhiệt điện than.

Đây là những đánh giá sai lầm. Theo số liệu của trang theo dõi năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor) tính đến tháng 7/2021, lượng phát thải CO2 điện than của Việt Nam tính theo năm là 89 triệu tấn, Nhật Bản là 224 triệu tấn, Đức là 201 triệu tấn, Mỹ là 1.138 triệu tấn, Ấn Độ là 1.037 triệu tấn, Trung Quốc là 4.518 triệu tấn... Đến cuối năm 2019, tổng công suất nhiệt điện than của Việt Nam vẫn ít hơn Thổ Nhĩ Kỳ (19,8 GW), Ba Lan (30,0 GW), Hàn Quốc (37,6 GW), Nhật Bản (45,5 GW), Đức (45,6 GW), Mỹ (254,3GW).

Tỷ trọng nhiệt điện than trên tổng điện quốc gia của chúng ta là khoảng 30%. Trong khi đó, tỷ trọng nhiệt điện than của Australia lên đến 61%, của Ba Lan là 78,8%, Nam Phi là 87,7%, Hàn Quốc là 46,3%. Đức là nước luôn được đánh giá là một quốc gia năng lượng sạch thì trong năm 2020 cũng đã xây dựng thêm điện than có công suất tổng 1,1 GW và nhiệt điện than chiếm khoảng 37% trên tổng điện quốc gia. Lượng tiêu thụ điện than tính trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng một phần ba của Australia và Đức, gần bằng một phần tư của Nhật Bản, gần bằng một phần năm của Mỹ và Ba Lan.

Hiện, Trung Quốc đã đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than nhỏ, công suất thấp với công nghệ lạc hậu. Nhưng đồng thời họ cũng đang xây mới rất nhiều nhà máy nhiệt điện than. Trong vòng 10 năm tới, số nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% số nhà máy nhiệt điện than trên thế giới. Trong tháng vừa qua, Trung Quốc đã đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện lớn nhất nước này với công suất của tổ máy số 1 lên tới 4 GW tại khu vực Nội Mông. Nhà máy này dự kiến sẽ đưa vào vận hành bốn tổ máy. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng hơn 1.100 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lên đến 121GW.

Đúng là cả thế giới mong muốn từ bỏ nhiệt điện than. Nhưng nhu cầu năng lượng vẫn khiến chúng ta chưa thể từ bỏ nguồn năng lượng này. Thực tế là ba nước có công suất điện than lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ không hề từ bỏ điện than. Có rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn tiếp tục xây mới các nhà máy nhiệt điện than với Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước xây mới nhiều nhất.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ lệ từ 15,4-19,4%. Riêng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện sẽ chiếm 40,1-41,7%. Điều này cho thấy chúng ta vẫn không thể từ bỏ hoàn toàn nhiệt điện than mà phải giảm đi từ từ trong tương lai. Chúng ta hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 bằng cách phát triển thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo, giảm năng lượng đến từ nhiên liệu hóa thạch, và không thể “lạc quan tếu” loại bỏ nhiệt điện than một cách hoàn toàn theo những thông tin sai lệch.