Giảm áp lực thiếu điện mùa cao điểm

Nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 8) được dự báo tăng trưởng rất cao, riêng miền bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tổng sản lượng điện của miền bắc giai đoạn này chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 52,3 tỷ kWh. Điều này được coi là sức ép nặng nề với ngành điện.
0:00 / 0:00
0:00
Theo dõi hệ thống sản xuất điện tại phòng điều khiển trung tâm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, huyện Thái Thụy, Thái Bình.
Theo dõi hệ thống sản xuất điện tại phòng điều khiển trung tâm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Nỗi ám ảnh “cắt điện” luân phiên

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) có thêm 6 thành viên là con, cháu từ Hà Nội về. Những tưởng cả gia đình sẽ sum họp, được tận hưởng một kỳ nghỉ trọn vẹn với bầu không khí trong lành ở vùng quê yên bình, nhưng việc thường xuyên mất điện trong thời tiết nắng nóng đã khiến sinh hoạt gia đình trở nên rất khó khăn. Không chịu được, các con ông đã phải nhanh chóng trở về thành phố chỉ sau 2 ngày ở quê. Ông cho biết, do là địa bàn ít có hoạt động sản xuất công nghiệp nên từ nhiều năm nay cứ vào dịp hè lại có tình trạng cắt điện “luân phiên” giữa các khu vực vào những thời điểm nhu cầu tăng cao. Gia đình nào cũng phải có quạt tích điện dự phòng nhưng khi số người tăng lên thì không đáp ứng được. Hầu như người dân không dám dùng bếp điện, bếp từ vì có khi không nấu được cơm ăn.

Nếu như người dân bị ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt gia đình thì “mất điện” có thể khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn. Từ đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện trên các chỉ số tăng trưởng ấn tượng về sản xuất và xuất khẩu quý I/2024, thì nhu cầu về điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với cùng kỳ năm 2023.

Đơn cử như nhà máy của Công ty CP Nhựa châu Âu, năm 2023 sản lượng sản xuất 120 nghìn tấn/năm. Năm nay doanh nghiệp dự tính tăng 10% sản lượng sản xuất, điều này có nghĩa nhu cầu điện cũng sẽ tăng tương ứng. Ông Phạm Văn Dậu, Giám đốc Nhà máy Công ty CP Nhựa châu Âu cho biết: “Năm 2024 chúng tôi dự định tăng trưởng từ 10 đến 15% thì nhu cầu sử dụng điện dự kiến phải tăng tương ứng 10% so với năm 2023. Điều chúng tôi lo lắng nhất là khả năng đáp ứng điện cho sản xuất. Bởi nếu chỉ 1 giờ mất điện, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị chững lại, thiệt hại sẽ rất lớn, đặc biệt là khi không bảo đảm việc đáp ứng đơn hàng”.

Theo đánh giá của ngành điện, mặc dù chưa vào cao điểm nắng nóng nhưng thời gian gần đây, công suất cực đại và sản lượng tiêu thụ điện ngày trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia. Chẳng hạn vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 27/4/2024, công suất cực đại (Pmax) toàn quốc đã lên tới 47.670 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4/2024 đã lên tới 993 triệu kWh. Đó là vào các tháng chưa nắng nóng.

Đối với tháng 5, 6, 7 khi thời tiết nắng nóng hơn, tốc độ tăng trưởng sẽ còn tăng mạnh hơn con số trên. Theo dự báo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC): Các tháng hè năm 2024, có tới 5/27 địa phương tại miền bắc có mức tăng trưởng Pmax từ 15% trở lên; 10 địa phương có mức tăng trưởng từ 10 - 15% và 12 địa phương có mức tăng trưởng dưới 10%.

Như vậy, dự báo Pmax vào các tháng cao điểm hè năm 2024 của EVNNPC có thể đạt 17.343 MW - 17.915 MW (tương ứng kịch bản thấp - cao); tăng trưởng tương ứng 9,6% - 13.2% so với Pmax năm 2023 (15.819 MW).

So với nguồn khả dụng các tháng còn lại của năm 2024 (theo công bố của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia - A0), thì nguồn điện cho 3 tháng hè có thể gây ra nhiều thách thức trong việc cân bằng công suất tại một số giờ cao điểm trong kịch bản kiểm tra.

Quyết liệt bảo đảm cung ứng điện

Những ngày cuối tháng 4, trên các công trường thi công đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối dù ban đêm vẫn sáng đèn. Các nhà thầu dồn lực thi công liên tục “3 ca, 4 kíp, 24/7”, xuyên các dịp nghỉ lễ nhằm bảo đảm tiến độ dự án. Ông Lê Văn Tám, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 2 cho biết, để khuyến khích tinh thần làm việc của người lao động, công ty đã tăng thu nhập lên 300% khi làm việc 3 ca 4 kíp đồng thời hỗ trợ chi phí ăn uống. Song song với đó, dự án trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa đã hoàn thành khối lượng san lấp lớn, liên tục thi công thần tốc xuyên các ngày nghỉ lễ.

Dự án TBA 500 kV Thanh Hóa phải hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 6/2024, đồng bộ với tiến độ các Dự án đường dây mạch 3, bảo đảm nâng cao năng lực truyền tải hệ thống 500kV bắc - nam, góp phần tăng cường cung cấp điện cho phụ tải khu vực tỉnh Thanh Hóa và Bắc Trung Bộ.

Đường dây 500 kV mạch 3 là một trong những công trình được Bộ Công thương yêu cầu tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành để giải tỏa nguồn điện cũng như tăng cường khả năng truyền tải.

Báo cáo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, tính đến 12 giờ ngày 12/5: Toàn tuyến đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đã hoàn thành 98% vị trí móng cột và hoàn thành 87% về dựng cột. Trong đó, đoạn tuyến NMNĐ Nam Định I - Thanh Hóa đang nỗ lực để trong tháng 5/2024 sẽ dựng xong toàn bộ cột và giữa tháng 6 hoàn thành kéo dây.

Bên cạnh đó, triển khai các thỏa thuận hợp tác về năng lượng giữa Việt Nam và Lào, đồng thời tăng cường nguồn điện cho hệ thống điện miền bắc, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNNPT đẩy nhanh tiến độ các dự án/công trình lưới điện, trong đó có đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống và các công trình đấu nối với mục đích nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy thủy điện Nậm Sum (Lào) về Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn khí tự nhiên trong nước suy giảm, EVN đã phối hợp với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) để cung cấp khí hóa lỏng (LNG) cho Nhà máy điện Phú Mỹ 3, đã vận hành từ ngày 11/4/2024. Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu cung ứng điện khu vực miền bắc, các tổng công ty điện lực có thể sẽ huy động thêm các nguồn máy phát diesel mượn của khách hàng để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia trong các tình huống khẩn cấp.

Ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, các địa phương đã cam kết bàn giao từng phần và cố gắng dứt điểm công tác bàn giao hành lang tuyến để bảo đảm hành lang sạch, an toàn, đủ điều kiện kéo dây trên toàn tuyến trong tháng 5.

Để bảo đảm cung ứng điện, Bộ Công thương đã có những chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia bám sát tình hình diễn biến phụ tải, tình hình thủy văn để lập kế hoạch cung cấp điện phù hợp. Đồng thời, cũng yêu cầu các Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bảo đảm cung cấp năng lượng sơ cấp cho phát điện.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, hệ thống điện quốc gia cơ bản bảo đảm cung cấp điện trong năm 2024. Tuy nhiên, hệ thống điện miền bắc có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng công suất đỉnh ở một số thời điểm trong giai đoạn nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) nếu xảy ra các tình huống cực đoan xếp chồng, như thiếu nước (do nắng nóng kéo dài, hạn hán, El Nino), sự cố nhà máy nhiệt điện than hoặc suy giảm công suất (do vận hành trong điều kiện nắng nóng) và nhu cầu dùng điện tăng cao trong các tháng nắng nóng.