Lãi suất vay có thể tăng khoảng 1-1,5%?
Khi tăng lãi suất điều hành lên 1%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định đã tính đến mục tiêu, giải pháp bình ổn lãi suất cho vay. Tuy nhiên, khó có thể chắc chắn rằng sẽ “không tăng lãi vay” khi trần lãi suất huy động tăng. Giải pháp được ngân hàng nhắc đến, theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn là “Đã vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát tiết giảm các chi phí hoạt động, qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới”.
Thực tế, ông Nguyễn Hoàng Anh, một khách hàng có khoản vay tại Tiên Phong Bank cho biết, đầu tháng 10 chưa thấy thông báo điều chỉnh lãi suất vay, tuy nhiên từ tháng 8 đến nay, ngân hàng này đã hai lần tăng lãi suất. Lần tăng mới nhất là ngày 23/8, lãi suất từ mức 11,29%/năm (mức áp dụng từ ngày 23/5/2022) lên 11,6%/năm. Ngân hàng giải thích lý do tăng lãi suất cho vay là bởi lãi suất huy động tăng và sắp tới còn tăng nữa.
Một nhân viên Ngân hàng SEABank cho biết, SEABank đang áp dụng mức lãi suất cho vay là 9,6%/năm, biên độ sau một năm là 3,49%. Dự báo, tới đây các ngân hàng sẽ đồng loạt tăng lãi suất cho vay khoảng 0,5-1,5% sau khi tăng lãi suất huy động. Nhân viên ngân hàng này phân tích, biên độ đó đã được quy định theo hợp đồng vay và lãi suất huy động sẽ là mức “thả nổi” tại thời điểm một năm theo ngày của hợp đồng vay. Tức là, nó là điều khoản của hợp đồng, nên không thể làm sai. Đồng nghĩa với việc, khi lãi suất huy động tăng thì lãi vay chắc chắn sẽ tăng thêm theo đúng biên độ đã ký.
Ghi nhận cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường bằng VND tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ, tại các ngân hàng thương mại trong ngày đầu tháng 10/2022 bật tăng mạnh so cùng kỳ tháng 9/2022, với mức tăng từ 0,1-1,3%, tùy kỳ hạn/ngân hàng. Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, lãi suất huy động và cho vay có khả năng tăng 0,3-0,5% tùy kỳ hạn đối với lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại.
“Việc tăng lãi suất huy động sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp nói chung có khả năng bị thu hẹp trong thời gian tới. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất huy động đi lên khó tránh lãi suất cho vay sẽ tăng; thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát”, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành.
Thêm áp lực cho doanh nghiệp
Việc tăng lãi suất sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp vốn đang chịu nhiều tổn thương trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước. TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê phân tích, trong chín tháng đầu năm 2022 có 112,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó có 62,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2021; 36,3 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,1%; 13,8 nghìn doanh nghiệp đã giải thể, tăng 8%.
Như vậy, bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có bảy doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Bích Lâm, dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 73,22 tỷ USD, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh vị thế thương mại quốc tế của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo.
Ông Nguyễn Bích Lâm nêu lên 5 nhóm khó khăn chính mà doanh nghiệp đang phải đối diện, bao gồm: Thứ nhất, khó khăn do chi phí nguyên vật liệu, xăng, dầu tăng gây nhiều khó khăn cho sản xuất, cạnh tranh. Thứ hai, khó khăn về chi phí logistics còn cao, thí dụ trước đây, một container từ châu Á đi Mỹ mất chi phí vận tải ngưỡng 3.000 USD, đến năm 2021 lên ngưỡng 10.000 USD (gấp hơn ba lần) và hiện xuống còn 7.000 USD, tức là vẫn hơn gấp đôi so thời kỳ trước đại dịch. Thứ ba, khó khăn về vốn và tài chính. DN Việt Nam phần lớn (chiếm 98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phần lớn là phải qua kênh ngân hàng, bởi họ không thể phát hành trái phiếu. Trong khi, điều kiện với nhóm đối tượng này vẫn khắt khe. Thứ tư, doanh nghiệp còn khó khăn về thiếu hụt lao động; hay với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và lắp ráp trong nước là thiếu linh kiện. Thứ năm, khó khăn về rào cản môi trường pháp lý, về thể chế vẫn chưa được tháo gỡ...
Về mặt vĩ mô, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, dự báo giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu và nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế, thị trường dầu thô sẽ trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Điều này đang gây nên cơn bão giá toàn cầu, tạo áp lực rất lớn về kiểm soát lạm phát đối với kinh tế nước ta, gây nhiều khó khăn cho các ngành và lĩnh vực; làm suy giảm tổng cầu, gây bất ổn vĩ mô và giảm tiến độ, hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp cần nguồn vốn để phục hồi sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH |
Đâu là trợ lực?
Kinh tế thế giới đang diễn ra trong sự biến động khó lường, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ, trong khi kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, đặc biệt tác động từ các nền kinh tế là đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam. Trước thực tế đó, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể.
Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo điều tiết hợp lý giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như xăng, dầu, điện, dịch vụ, y tế, giáo dục… thực hiện trợ cấp xã hội cho những hoàn cảnh khó khăn, qua đó giảm tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá về tín dụng cho doanh nghiệp. Bởi, vốn, tài chính là tiền đề, đóng vai trò quyết định cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Việc bảo đảm nguồn vốn, tài chính cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm và các năm sau rất quan trọng. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khai thông gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% là vấn đề thiết thực...
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành cho rằng, hiện vẫn còn dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng. Đó là, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô 40.000 tỷ đồng) khi gói này mới giải ngân chưa đáng kể. Việc này sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay, như công cụ room tín dụng.
Một giải pháp khác cũng được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giảm mạnh một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào. Song song đó, cộng đồng doanh nghiệp chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, cần ưu tiên vốn vào những kế hoạch cấp bách, giãn tiến độ những việc chưa cần thiết để giảm tải cho nguồn vốn…
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo cán cân vãng lai của Việt Nam có thể thâm hụt 1,5% GDP trong năm 2022. Việc các nước quyết liệt thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ cũng sẽ gia tăng rủi ro “nhập khẩu lạm phát”, tác động đến tỷ giá và thị trường tài chính. Dự báo lạm phát Việt Nam ở mức 3,8% năm 2022, tiếp tục tăng lên mức 4% năm 2023.