Xả thải ra môi trường
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt ở CCN Thủy Phương để ghi nhận về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm tại đây. Sống gần khe ngang - nơi cắt đôi nguồn nước sinh hoạt một thời của người dân trong vùng, ông Nguyễn Viết Luyện (tổ dân phố 9, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) cho biết: Năm 1992 tôi vào đây khai hoang, nguồn nước vẫn trong lành và được người dân sử dụng để sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, từ khi nhà máy xử lý rác và CCN Thủy Phương hình thành thì nước bắt đầu ô nhiễm, đen quánh... Mùa gió nổi, mùi hôi thối bốc lên đặc quánh không khí. Thậm chí chất thải còn ăn sâu vào lòng đất khiến người dân không dám dùng nước giếng nữa.
Ông Thái Vĩnh Tiến, Tổ trưởng dân phố 12, phường Thủy Phương cho biết: Toàn bộ các cơ sở sản xuất trong CCN Thủy Phương đều thuộc ngành nghề công nghiệp nặng như chế biến vật liệu xây dựng, chế biến gỗ và đặc biệt là tái chế giấy với hình thức sản xuất thủ công, thô sơ. Hầu hết các nhà máy không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải mà cứ thế xả thẳng ra môi trường. Tình trạng này kéo dài gần 20 năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến các tổ dân phố số 9, 10, 11, 12 của phường Thủy Phương. Bà con đã có ý kiến rất nhiều trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, họp hội đồng nhân dân và làm việc với các đoàn thanh tra nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thừa nhận vấn đề ô nhiễm môi trường còn nhiều bất cập, ông Trương Văn Công, Chủ tịch UBND phường Thủy Phương cho biết: CCN Thủy Phương không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp công nghệ lạc hậu, xả thải trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất và đặc biệt là sức khỏe của người dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp xử lý cho người dân.
Cụm công nghiệp lạ kỳ
CCN Thủy Phương được thành lập ngày 1/12/2005 với tên gọi ban đầu là cụm Tiểu thủ công nghiệp - Làng nghề Thủy Phương, quy mô 134ha và được điều chỉnh xuống còn 74,8ha vào năm 2014. Hiện CCN Thủy Phương đã thu hút được 45 dự án, trong đó có 31 doanh nghiệp, nhà máy đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 76% diện tích. Tồn tại gần 20 năm nhưng đến nay, từ những tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật cơ bản nhất như hàng rào, cổng CCN, biển tên... cho đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của CCN vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.
Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Thị ủy Hương Thủy cho biết: Cách đây 20 năm, với mục đích di dời các cơ sở sản xuất làng nghề ra xa khu dân cư nên tỉnh chỉ đầu tư một số hạng mục đường giao thông, điện, nước và kêu gọi các doanh nghiệp vào. Thiếu vốn nên hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư mà giao cho các doanh nghiệp tự xử lý. Bất cập này đã khiến CCN Thủy Phương tạo ra một vùng ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân và không đạt được mục đích ban đầu đã đề ra.
Đi xem xưởng sản xuất của Công ty Trường Thắng Phát Group - doanh nghiệp tái chế giấy, phế liệu hoạt động từ năm 2003 tại CCN Thủy Phương, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang của một mô hình sản xuất thô sơ, lạc hậu. Có mặt từ trước khi CCN Thủy Phương chính thức thành lập nhưng cho đến nay, toàn bộ diện tích của cơ sở chưa có tường bao che chắn. Giấy thu gom về nằm ngoài trời, nước thải sản xuất chảy tràn dưới sàn… trong khi bể thu gom xử lý quá bé và gần như không hoạt động. Cùng với tiếng ồn, từng cột khói đen vẫn xả thẳng ra môi trường. Khi được hỏi thì ông Nguyễn Trọng Nghiêm, Giám đốc Công ty Trường Thắng Phát Group thản nhiên trả lời: “Ngành tái chế giấy có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng cơ sở chúng tôi công suất nhỏ và áp dụng công nghệ của làng nghề từ xưa để lại nên việc ảnh hưởng đến môi trường là không có”.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) năm 2020 đã chỉ ra, tại thời điểm thanh tra, công ty chưa bố trí kho lưu trữ và có báo cáo định kỳ về chất thải nguy hại. Riêng chất thải rắn như nylon, vải phế liệu, cặn thải… được đổ trực tiếp trên nền đất. Công ty cũng không trình được hợp đồng chuyển giao chất thải rắn công nghiệp cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Đặc biệt, cùng thời điểm thanh tra, Tổng cục Môi trường đã phát hiện ba cơ sở tái chế giấy khác, gồm: Công ty TNHH MTV sản xuất giấy Huy Tiến, Công ty TNHH Trọng Vương, Công ty TNHH Hà Xuyên không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường. Một số cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; các chỉ tiêu thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật…
Từ năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế đã đưa một số cơ sở sản xuất trong CCN Thủy Phương vào diện giám sát đặc biệt về môi trường. Qua quá trình giám sát, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra những nội dung còn thiếu, không phù hợp quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và đã lập biên bản vi phạm hành chính chuyển cấp có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác bảo vệ môi trường tại CCN Thủy Phương vẫn không được bảo đảm. Đặc biệt, trong kết luận thanh tra, Tổng cục Môi trường cũng đã yêu cầu cả bốn công ty tái chế giấy thuộc CCN Thủy Phương chỉ được phép hoạt động trở lại khi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường cho phép vận hành thử nghiệm theo đúng quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng đến nay không biết vì lý do gì các doanh nghiệp này vẫn ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường?
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Ngô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết: Hằng năm, UBND tỉnh đều thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định môi trường của doanh nghiệp. Thực tế qua kiểm tra đều phát hiện vi phạm và ra quyết định xử phạt nặng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ chấp hành nộp phạt bằng tiền chứ chưa hoàn trả được hiện trạng môi trường như ban đầu... Và trước sức ép về công ăn việc làm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp lại tái sản xuất.
“CCN Thủy Phương nằm trên địa bàn của thị xã Hương Thủy nhưng thị xã chỉ thực hiện chức năng giới thiệu địa điểm, giải phóng mặt bằng. Quyền xử phạt về môi trường đối với các doanh nghiệp do sở Tài nguyên và Môi trường quyết định”, ông Ngô Văn Vinh cho biết.
Trong khi đó, khi được hỏi về trách nhiệm của ngành chuyên môn thì ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Về mặt hạ tầng, CCN Thủy Phương thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thị xã Hương Thủy. Hiện nay, việc giám sát công tác khắc phục của các cơ sở trên địa bàn CCN Thủy Phương được UBND tỉnh giao cho UBND thị xã Hương Thủy thực hiện theo nội dung Công văn số 4520/UBND-GT ngày 28/5/2021 về tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ, chấp hành các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng chưa được đồng bộ và quyết liệt. Thời gian tới, Sở sẽ có những phối hợp tốt hơn với UBND thị xã Hương Thủy để xử lý vấn đề triệt để hơn.
Các ngành chức năng thì đổ lỗi cho chính quyền cơ sở, còn chính quyền cơ sở thì cho rằng, đấy là chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, thẩm quyền của tỉnh. Phải chăng đó chính là lý do tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm tại CCN Thủy Phương nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm?
Thừa nhận thực tế vẫn chưa xử lý triệt để được các doanh nghiệp vi phạm về môi trường trong CCN Thủy Phương, tuy nhiên, ông Lê Ngọc Sơn cho rằng, về lâu dài cần sớm hoàn thiện hạ tầng ở CCN. Trước mắt là hoàn thiện các hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước mặt tường rào, tiến tới xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Các hạng mục này cần nguồn kinh phí lớn, vượt quá khả năng của địa phương nên Hương Thủy đang kiến nghị tỉnh và T.Ư sớm bố trí nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới. Riêng các nhà máy tái chế giấy, nếu không đổi mới công nghệ thân thiện hơn với môi trường thì sẽ buộc phải đóng cửa.
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Quan điểm nhất quán của tỉnh là đặt vấn đề môi trường lên trên hết. Trong đầu tư công đến năm 2025, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương bố trí nguồn vốn để đầu tư cơ bản các hạ tầng thiết yếu trong CCN, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư cùng làm để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng quản lý vấn đề môi trường, chúng tôi đã chỉ đạo sẽ xử lý dứt điểm các điểm nóng mà dư luận quan tâm trong thời gian tới.