Giải quyết những vấn đề của thị trường vốn

Báo cáo mới nhất của Công ty FiinRatings “Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023” dành tâm điểm tới các nhóm ngành phát hành trái phiếu chủ đạo như bất động sản, điện, ngân hàng và chứng khoán. Trong đó, báo cáo nhấn mạnh ngành ngân hàng phải giải quyết một số vấn đề bất cập như niềm tin suy giảm, lãi suất huy động cao và sự phân hóa mạnh trong chất lượng tín dụng...
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu thực hiện giảm lãi suất tiền gửi. Ảnh: BẮC SƠN
Nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu thực hiện giảm lãi suất tiền gửi. Ảnh: BẮC SƠN

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 duy trì quanh mức 14-15%, trong đó ưu tiên cho các ngân hàng có chất lượng tài sản, bộ đệm vốn và chất lượng lợi nhuận tốt, cũng như các ngân hàng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém. FiinRatinsg dự báo tăng trưởng này dựa trên thực tế là kênh tín dụng ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chính ở thị trường Việt Nam, cũng như việc NHNN sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động thị trường tài chính, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Niềm tin vào hệ thống ngân hàng cũng là vấn đề cần giải quyết khi thị trường có một số thông tin bất lợi: Các vụ án, các ngân hàng bán chéo, môi giới các sản phẩm trái phiếu, bảo hiểm dưới hình thức “tiết kiệm linh hoạt” hay “hợp tác đầu tư”. Các thông tin bất lợi gây tâm lý lo lắng trong cộng đồng người gửi tiền và ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngân hàng, cũng như thanh khoản trong ngắn hạn, nhất là đối với các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay trên tiền gửi cao, ít tài sản có tính thanh khoản cao.

Trong năm 2023, với các biện pháp giữ ổn định thị trường của Chính phủ và chỉ đạo không hình sự hóa các quan hệ kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, sẽ ít có khả năng xảy ra các sự kiện bất thường làm ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn cần theo dõi chặt chẽ, bảo đảm các chỉ tiêu thanh khoản ở trong mức cho phép, tạo một bộ đệm thanh khoản để đối phó với các tình huống bất thường.

Về lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng, từ tháng 9/2022, dưới áp lực tỷ giá và lạm phát, các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất huy động và chịu lãi suất liên ngân hàng cao để bảo đảm thanh khoản. Việc tăng lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến biên lãi thuần của các ngân hàng, khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhanh hơn lãi suất cho vay và NHNN cũng đang thực hiện các biện pháp hạn chế gia tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Thời gian qua, NHNN theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, từ ngày 6/3 vừa qua, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi: trong đó, có bốn ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6-12 tháng. Lãi suất huy động đã được các ngân hàng rục rịch giảm khoảng một tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh từ 0,3-1% tùy từng kỳ hạn, bao gồm cả những ngân hàng quy mô nhỏ.

Đối với vấn đề chất lượng tín dụng, một số ngân hàng đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh (nợ xấu nội bảng và trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành) tại thời điểm 30/9/2022 của toàn ngành là khoảng 2,6%, tăng nhẹ so với mức 2,5% hồi đầu năm. Trong đó, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như NCB, SCB, PGB. Nhiều ngân hàng lớn cũng tăng nhẹ tỷ lệ nợ xấu từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Trước kịch bản nợ xấu gia tăng, nhiều ngân hàng phải đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn.

Đặc biệt, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.

Theo dự báo của FiinRatings, trong năm 2023, biên lãi thuần của các ngân hàng có khả năng bị thu hẹp khi lãi suất huy động tăng mạnh hơn lãi suất cho vay. Từ cuối năm 2022, NHNN cũng đã đưa ra chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế và đề xuất xử lý các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất. Điều này có thể gây khó khăn trong việc huy động vốn cho các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ do không còn lợi thế cạnh tranh về lãi suất đối với các ngân hàng lớn.

Trong khi đó, việc giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình của NHNN cũng gây áp lực huy động các nguồn vốn dài hạn hơn (trái phiếu, vốn chủ sở hữu…) tại các ngân hàng. Với việc đại dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN và Thông tư 08/2020/TT-NHNN vẫn được áp dụng cho đến thời điểm này (giới hạn 34% kể từ ngày 1/10/2022).

FiinRatings cho rằng, ít có khả năng NHNN sẽ tiếp tục thực hiện lùi thời gian áp dụng các quy định trên sau khi đã lùi thời hạn một năm nhằm hỗ trợ các ngân hàng đối phó với đại dịch Covid-19. Chất lượng tài sản cũng là một yếu tố cần theo dõi, đặc biệt các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao cần thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ xấu để cải thiện năng lực tài chính, tránh gây ảnh hưởng đến cả hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.