Giải phóng mặt bằng với kinh phí “0 đồng”

Nằm ở dải đất vùng cao hẻo lánh của tỉnh Yên Bái, hơn một năm về trước, trục đường liên xã nối từ huyện Lục Yên về các xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh còn lầy lội, gập ghềnh. Khơi thông nguồn lực, phát triển giao thương, kinh tế, Lục Yên đã có nhiều cách làm phù hợp, tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở đường.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường mở ra hy vọng mới cho người dân Tân Lập - Tân Lĩnh - Phan Thanh.
Tuyến đường mở ra hy vọng mới cho người dân Tân Lập - Tân Lĩnh - Phan Thanh.

Hy sinh một chút, tương lai đỡ vất vả hơn

Năm 1971, sau khi hồ thủy điện Thác Bà bắt đầu tích nước, hai xã Phan Thanh, Tân Lập (huyện Lục Yên) cũng rơi vào thế “cô lập” khi bị bao vây bởi một bên là núi cao, một bên là hồ nước mênh mông. Trục đường duy nhất nối liên xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh sau hàng chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Dù tuyến đường chưa nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn nhưng trước những ý kiến của nhân dân và mong muốn của cấp ủy, chính quyền địa phương, đầu năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã hai lần về các xã Tân Lập, Tân Lĩnh, Phan Thanh để khảo sát. Từ đây, một Nghị quyết của Tỉnh ủy Yên Bái đã ra đời. Theo đó, tỉnh bỏ kinh phí làm đường; cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc, công trình, cây cối trên đất để có mặt bằng sạch giao cho địa phương tiến hành thi công.

Trong thiết kế quy hoạch, gia đình bà Triệu Thị Cư, dân tộc Nùng (thôn São, xã Tân Lập) có diện tích bị thu hồi lớn nhất với hơn 5.000 m2 đất và rừng cây bồ đề. Là hộ nghèo nhưng trước sự vận động, thuyết phục của cả cấp ủy, chính quyền, bà Cư đã đồng thuận nhường đất và rừng cây cho Nhà nước làm đường giao thông. “Vẫn biết hiến đất nhiều như thế thì sau không còn đất canh tác cũng vất vả lắm nhưng có đường rồi, anh em con cháu và dân làng sẽ đỡ vất vả”, bà Cư cho biết.

Cũng như gia đình bà Triệu Thị Cư, sau khi nghe cấp ủy, chính quyền thôn, xã giải thích, anh Đào Ngọc Huệ cũng sẵn sàng hiến hơn 1.500 m2 đất và cả rừng quế mà nhiều năm nay gia đình anh vất vả chăm sóc. “Vườn quế trồng được ba năm, đến ngày chờ thu hoạch thì cán bộ đến vận động chặt bỏ gần 500 gốc cây, cũng trăn trở lắm chứ! Nhưng vì tuyến đường, không chỉ mình mà còn rất nhiều hộ khác cũng hy sinh như vậy. Có đường đẹp thì dân sẽ phát triển được”, anh Đào Ngọc Huệ tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn São cho biết: Tuyến đường qua thôn dài hơn 3 km, đi vào đất của hơn 60 hộ gia đình. Đây đều là những hộ gia đình nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước thì bà con đều sẵn sàng di dời. Từ một vài hộ dân tiêu biểu, phong trào hiến đất đã lan tỏa ra cả thôn, xã. Tân Lập là điển hình để các xã còn lại học tập và làm theo.

Mảnh đất ngọc đang khởi sắc

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh dài gần 18 km, trong đó đoạn qua xã Tân Lập là 11,5 km, ảnh hưởng đến 320 hộ dân, hiến 43.215 m2, trong đó có 15.400 m2 là đất ở và có 5.777 m2 là vật kiến trúc trên đất như chân nền, tường rào. Trong số này có hai hộ phải di chuyển nhà để thực hiện tuyến đường. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi được bắt nguồn từ chính sự tiên phong nêu gương của rất nhiều những hộ dân nghèo trong khắp các thôn, bản. Ông Hoàng Quang Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Lập, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: Sau khi tuyến đường thông xe và các chương trình nông thôn mới đi vào thực tế triển khai, tỷ lệ nghèo của xã Tân Lập đã giảm xuống còn 18% so 43% năm 2021. Chúng tôi đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2023 tiếp tục xuống còn 12% và hoàn thành tiêu chí nông thôn mới vào năm 2025.

Ông Trần Tiến Hưng, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Yên cho biết: Chỉ trong chưa đầy nửa năm, trục đường dài gần 18 km này đã được giải phóng mặt bằng mà không mất một đồng tiền đền bù đất đai, hoa màu, cây cối trên đất. Trái lại, trong quá trình thi công đường, bà con trong bản còn chủ động mang rau, bắt gà… ra tặng những người thợ làm đường. Ngày lễ, Tết bà con còn tổ chức thăm hỏi và mời những người thợ xa nhà về bản chung vui. Con đường từ 3 m bây giờ thành đường cấp IV miền núi. Bà con rất phấn khởi, tổ chức liên hoan mừng đường mới đi qua.

Tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh là một trong những công trình quan trọng của huyện Lục Yên, có nhiệm vụ kết nối liên vùng giữa các xã của huyện, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân, bảo đảm giao thông đi lại thuận tiện trong mùa mưa lũ, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trên lòng hồ Thác Bà và các vùng lân cận, tạo liên kết giữa phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tại mảnh đất ngọc Lục Yên, công tác giải phóng mặt bằng chỉ với “0 đồng” ngày càng được nối dài. Điển hình phải kể tới tuyến đường Lục Yên - Bảo Yên; tuyến đường thuộc xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến...