Còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng, áp lực lớn
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 10 tháng năm 2023 của cả nước là 389,7 nghìn tỷ đồng, đạt 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó: vốn ngân sách trung ương (NST.Ư) là 182,1 nghìn tỷ đồng (đạt 49,89%), vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 207,6 nghìn tỷ đồng (đạt 60,47%).
Đến nay, ước giải ngân 11 tháng của cả nước khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ 58,33% và số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng, trong đó: vốn NST.Ư khoảng 216,7 nghìn tỷ đồng (đạt 59,37%), vốn NSĐP khoảng 244,3 nghìn tỷ đồng (đạt 71,17%). Tính riêng trong tháng 11, giải ngân ước khoảng 71,3 nghìn tỷ đồng. Trung bình 11 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân đạt hơn 41,9 nghìn tỷ đồng/tháng.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 10 bộ, cơ quan T.Ư và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt hơn 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số bộ, cơ quan T.Ư, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%); Hội Luật gia Việt Nam (92,76%); Văn phòng Quốc hội (83,61%); Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%); Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (74,74%), Bình Dương (113,4%); Long An (112,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (106,84%); Tiền Giang (101,42%); Đồng Tháp (100,82%); thành phố Hải Phòng (99,83%).
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đứng đầu trong số những bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cao nhất cả nước trong 11 tháng (69.135 tỷ đồng). Đứng thứ hai là Hà Nội (gần 32.600 tỷ đồng), tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh (gần 28.800 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (hơn 16.000 tỷ đồng), Bình Dương (hơn 13.800 tỷ đồng), Hải Phòng (gần 13.400 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 11.500 tỷ đồng), Long An (hơn 9.900 tỷ đồng).
Điều đáng nói, có tới 41 bộ, cơ quan T.Ư và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, như là: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Như vậy, số vốn kế hoạch năm 2023 chưa giải ngân còn khá lớn (khoảng 247 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong khi thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn gần một tháng, do đó cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành mới có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08 là tỷ lệ giải ngân hơn 95%.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, áp lực đặt ra là rất nặng nề, do vậy, trong chặng đua nước rút, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.
Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2023 của cả nước ước đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1% kế hoạch. Ảnh: NAM NGUYỄN |
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Nhận định nguyên nhân tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, có những khó khăn liên quan đến thể chế chính sách và những khó khăn mang tính chất đặc thù của kế hoạch năm 2023 (quy mô vốn tăng khoảng 130.000 tỷ đồng, năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giá cả biến đổi khó lường…). Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn nằm ở công tác tổ chức thực hiện.
Trong cùng một mặt bằng pháp luật, cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt. Do các bộ, địa phương này đã tăng cường phân cấp, phân nhiệm, chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải; lựa chọn các nhà thầu thi công có năng lực và kinh nghiệm; quan tâm, đào tạo, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ làm công tác đầu tư công, thay đổi nhận thức và thói quen của các cán bộ này, không phải chờ các nhà thầu báo cáo mà phải sâu sát, nắm rõ tiến độ, kịp thời tháo gỡ, xử lý khó khăn và cuối cùng là phải sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành từ người đứng đầu đơn vị.
Dẫn chứng cụ thể việc một số bộ, cơ quan T.Ư và địa phương vẫn có tỷ lệ giải ngân tốt, Bộ KH&ĐT cho rằng hiệu quả đến từ việc các bộ, địa phương này đã tăng cường phân cấp, phân nhiệm, chủ động ngay từ khi xây dựng kế hoạch hằng năm, có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian còn lại thực hiện chương trình rất ngắn, khối lượng vốn cần giải ngân nhiều, do vậy, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục nỗ lực giải ngân ở mức cao nhất kế hoạch vốn của chương trình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023.
Để hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, Bộ KH&ĐT trình Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương, đặc biệt là các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp triển khai thực hiện các giải pháp như: Quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của năm Tổ công tác theo Quyết định số 235/QĐ-TTg và 26 đoàn công tác do các thành viên Chính phủ là trưởng đoàn, làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tập trung giải ngân toàn bộ số vốn được giao, không đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương; phát động phong trào thi đua thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong những ngày còn lại cuối năm, trong đó, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tuần, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm…