Băn khoăn chi phí và tiện lợi
Cùng với xu hướng chung trên thế giới, lượng xe đạp điện và xe máy điện bán ra thị trường Việt Nam đã tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây. Theo chuyên trang thống kê và phân tích về thị trường xe máy Motorcycles Data, riêng tổng lượng xe máy điện VinFast bán ra thị trường Việt Nam trong quý I/2021 đạt 29.018 xe, tăng 21,6% so cùng kỳ 2020. Ngoài ra, còn có nhiều hãng xe đạp và xe máy điện khác như PEGA (tiền thân là hãng xe máy HKbike), Dat Bike Việt Nam, Yadea… cũng đều đạt doanh thu tăng trưởng tốt, trái ngược chiều hướng đi xuống của các loại xe máy chạy xăng, kể cả tên tuổi lớn như Honda, Yamaha, Suzuki…
Tuy nhiên, lượng xe đạp và xe máy điện lưu thông vẫn đang phản ánh một thực tế khác, đó là lượng xe máy xăng chiếm khoảng 95% trong tổng lượng hơn 60 triệu xe máy đang hoạt động năm 2021. Trong khi theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm vừa qua cả nước chỉ có khoảng trên dưới ba triệu xe máy điện, xe đạp điện đang lưu thông.
Giá xăng dầu thế giới và Việt Nam tăng nhanh trong vài tháng qua, ảnh hưởng mạnh tới tâm lý người dùng xe máy xăng. Tuy nhiên, lượng xe đạp, xe máy điện lưu thông vẫn không vì thế mà có dấu hiệu đột biến và chưa trở thành lựa chọn thay thế khả thi cho xe máy xăng. Tìm hiểu nguyên nhân của “nghịch lý” này, Thời Nay đã trao đổi với một số nhân viên giao hàng - đối tượng có nhu cầu sử dụng phương tiện này nhiều nhất. Bạn Vũ Hồng Quân (24 tuổi), quê Nam Định, chia sẻ: “Mấy tháng gần đây xăng tăng quá nên thu nhập giao hàng trung bình của em giảm một nửa, chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng/ngày. Nếu tăng cao nữa chắc em làm công việc khác chứ không định chuyển sang chạy xe máy điện. Một phần vì chạy xe xăng đã quen, giờ chuyển sang xe điện không tiện lắm vì khoảng cách giao hàng có lúc khá xa, sợ nửa đường hết điện không có chỗ sạc. Chưa kể xe máy điện dễ hỏng hóc và chi phí sửa cũng cao hơn xe máy nhiều. Đơn cử như riêng việc thay pin đã rất đắt. Chi phí cho cả bộ pin mới hàng xịn là khoảng 4 triệu đồng, trong khi loại thường có 1 triệu đồng thì chỉ nửa năm là hỏng. Tiền điện ở khu nhà trọ của em cũng không phải là rẻ với 4.000 đồng/số điện, tính đi tính lại không thật sự kinh tế hơn nhiều so xe máy chạy xăng”.
Chung suy nghĩ này, bạn Trần Đình Long (21 tuổi), sinh viên năm thứ ba, Trường đại học Văn hóa Hà Nội cho biết thêm: “Xe điện thật sự chậm và lâu hơn xe xăng là điều không phải bàn. Nhưng xét về kinh tế, giao hàng bằng xe điện thì phần thu nhập sẽ cao hơn một chút, vì điện dùng “giá dân” và chỉ cần sạc một đêm là có thể đi được đến 60 km, đủ cho em chạy một ngày ở trong nội thành. Nhưng em cần phải căn chỉnh rất khắt khe, chỉ đi những đơn có bán kính 5 km trở lại và tận dụng ghép đơn hết mức để tiết kiệm điện và thời gian chờ của khách. Đôi khi những đơn xa quá mà hãng chuyển cho, em xin hủy, nhưng hủy nhiều lần thì sau họ sẽ không chuyển đơn cho mình nữa”.
Giải pháp thực tế
Cũng theo Motorcycles Data, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong hai quốc gia tiêu thụ xe máy liên tục xếp vị trí dẫn đầu trong nhiều năm. Nước ta cũng xếp thứ tư trong nhóm những thị trường tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới. Bởi vậy, tương lai xe máy điện còn rộng mở tại Việt Nam. Nhưng trước mắt, với những người dùng là nhân viên giao hàng, họ có thể sớm coi xe máy điện là một phương án thay thế trong tương lai.
Đơn cử, Công ty CP Phương tiện điện thông minh Selex (Selex Motors) đã tiên phong sản xuất các sản phẩm xe máy điện cho người chở hàng, chở người. Điểm nhấn quan trọng nhất trong giải pháp của Selex Motors là các “trạm đổi pin” rất tiện lợi, mới mẻ. Thay vì sạc pin mất nhiều giờ, mỗi khi hết pin, khách hàng có thể đổi pin đã hết bằng pin đã sạc đầy tại các trạm đổi pin tự động của Selex Motors. Các điểm đổi pin Selex có thể đặt tại các điểm thuận tiện như cửa hàng tiện lợi, quán cafe, siêu thị… Khách hàng có thể nhanh chóng định vị và dẫn đường tới điểm đổi pin gần nhất thông qua ứng dụng quản lý của công ty. Với mỗi lần pin sạc đầy, xe có thể chạy được khoảng 150 km trong điều kiện chuyên chở khối lượng khoảng 60 kg trong giờ cao điểm.
Chia sẻ kỳ vọng về tương lai của xe điện, anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên (39 tuổi), Giám đốc điều hành Selex Motors cho biết: “Với một startup về công nghệ xe điện, khó khăn rất nhiều nhưng lớn nhất cũng vẫn là nguồn lực và con người. Nhân lực có chuyên môn về xe điện không nhiều, kể cả nước ngoài cũng vậy. Ngoài ra, phát triển từ công nghệ sâu cho tới sản xuất xe điện và cơ sở trạm đòi hỏi thời gian dài, ít nhất ba năm. Mặc dù bản thân mỗi người chúng tôi đều rất tự tin vào khả năng thành công và tương lai của xe điện. Nhưng việc chứng minh tiềm năng và hiệu quả của dự án không dễ, dẫn tới tình trạng “kén” nhà đầu tư. Theo tôi thấy, vấn đề mấu chốt của thực tế phát triển chưa như mong muốn của xe điện tại Việt Nam trước tiên do sự khan hiếm niềm tin từ người tiêu dùng, cho tới nhà đầu tư và các cơ quan hoạch định chính sách đối với sản phẩm xe điện, xa hơn là niềm tin vào khả năng làm chủ công nghệ xe điện của các startup Việt”.