Giai đoạn cuối chống khủng bố ở Syria

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị An ninh quốc tế diễn ra ở thành phố Ufa (Nga) ngày 19-6, Đại sứ Syria tại Nga Riyad Haddad cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang bước vào giai đoạn cuối.

LHQ bày tỏ quan ngại về bạo lực leo thang ở tỉnh Idlib của Syria. Ảnh: THE NATIONAL
LHQ bày tỏ quan ngại về bạo lực leo thang ở tỉnh Idlib của Syria. Ảnh: THE NATIONAL

Tuy nhiên, Đại sứ Haddad cảnh báo lực lượng phiến quân đang tháo chạy khỏi Syria sẽ đổ sang các quốc gia khác sau khi thu được nhiều kinh nghiệm ở chiến trường Syria, như các kỹ năng chiến đấu, khả năng chiến thuật - chiến lược, tận dụng nguồn tài chính và công nghệ, để tiếp tục thực hiện các vụ tiến công khủng bố ở khắp nơi trên thế giới.

Tại Syria, Idlib hiện là thành trì cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS). Idlib nằm trong vùng giảm căng thẳng theo thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vào tháng 9-2018. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không thể thực hiện do HTS mở rộng tiến công tại Idlib và các vị trí của quân đội Syria, thay vì rút khỏi những khu vực này.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 18-6 đã bày tỏ quan ngại về tình hình gia tăng xung đột tại tỉnh Idlib. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, dân thường là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, các bên cần phải tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế ngay cả khi liên quan cuộc chiến chống khủng bố. Tổng Thư ký LHQ đề nghị Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng để ổn định tình hình ngay lập tức. Bên cạnh đó, ông Guterres cũng kêu gọi tìm ra một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột tại Syria.

Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock khẳng định, thế giới đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria, đồng thời yêu cầu các bên liên quan cuộc xung đột tại Idlib tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, ngừng ngay các cuộc tiến công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng của người dân. Chỉ trong sáu tuần qua, giao tranh tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 230 người, khoảng 330.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Thống kê cho thấy, kể từ khi xung đột nổ ra tại Syria vào năm 2011, hơn 370.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán.

Do vậy, việc tìm ra giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với người dân Syria mà còn giúp ổn định tình hình khu vực, ngăn chặn các tổ chức khủng bố “vươn vòi bạch tuộc” sang các khu vực khác.