Bỗng một ngày, bà thấy trong người khó chịu, hay chóng mặt, chẳng muốn làm gì. Lúc đầu bà tưởng bệnh cảm lạnh, mua thuốc uống nhưng không bớt, ngược lại hơi thở đứt quãng mệt hơn. Ông chở bà đi đến khám bệnh, bác sĩ tươi cười bảo: “Chúc mừng, có em bé…”. Lời nói ngày ấy của bác sĩ, ông bà đã chờ đợi ròng rã gần mười năm. Vui mừng vô cùng, nhưng trong lòng ông bà cứ luôn thấp thỏm, lo âu. Cái cảm giác hồi hộp chờ đợi ấy, lâng lâng thật khó tả.
Qua mấy tháng tái khám, ông bà biết chắc mình sắp có con trai. Người ta hỏi ông mong muốn con sau này làm gì? Ông Bảy nói: “Nghề gì cũng được, miễn là người tốt, biết giúp đỡ mọi người trong làng, cộng đồng”.
Rồi niềm mơ ước của đôi vợ chồng già ra đời, bụ bẫm. Lúc mới sinh, thằng bé ngọ ngoạy không khóc chi cả, cô y tá phải vỗ mông nó mới khóc. Khi về nhà, cho bú xong rồi ngủ, dễ nuôi, đêm tối không quấy rầy cha mẹ. Làng xóm đến thăm bảo, do khi mang bầu, bà ăn uống đầy đủ chất, nên khi thằng bé ra đời không đau bệnh vặt hay khóc nhè, giống như cây cỏ muôn loài, khi hạt mầm tốt thì cây phát triển tốt. Ngược lại, có người bảo con cái là của trời cho, tính tình dễ hay khó cũng do trời đất quyết định, cùng hai đứa con cha mẹ nuôi dưỡng như nhau, nhưng khi mới sinh ra đời mỗi đứa tính mỗi khác. Chính vì thế, ông bà ta bảo: “Trời sinh tâm, đất sinh tính” là vậy đó. Chẳng biết đúng sai như thế nào, nhưng sợ con gặp điều không may, ở nhà ông bà đặt tên con là Tèo.
Lớn hơn một chút, cặp mắt thằng bé có biểu hiện bệnh lác (bị lé), nhìn đằng đông cứ ngỡ đằng tây, ông bà đưa đi bệnh viện. Bác sĩ bảo: “Không sao, lớn lên, có thể điều trị thẩm mỹ được”. Song, vì lo sợ mổ xẻ không may có thể ảnh hưởng đến đôi mắt con, cũng có thể không có tiền điều trị, ông bà để vậy nuôi con cho tới lớn. Ở trong xóm, ngoài bạn học trong lớp ra, hầu như ít người biết tên thật, người lớn thì gọi thằng Tèo lé, người trẻ hơn lịch sự gọi anh Tèo. Có nhiều người hay gọi trỏng: “Ê, ê, Tèo lé…”.
Thời gian lặng lẽ như nước trôi qua cầu, thằng Tèo đã lớn, học giỏi, có những tài vặt, ở xóm ai cũng nể. Ví như chuyện đi câu. Ở quê, thường có con sông nối dài từ làng này sang làng kia. Những lúc rảnh rỗi, những người yêu thích câu cá thường mang cần ra gốc cây gần bờ sông, vừa ngồi câu cá vừa hóng gió mát. Có khi được vài con cá, có khi không có con nào. Nhưng thằng Tèo mà đi câu, cũng chỗ ngồi đó, cũng loại mồi đó nhưng lúc nào cũng đầy nhóc giỏ cá. Hay là chuyện bắn chim. Ở quê, trẻ con đi bắn chim thường dùng ná cao-su. Cái ná làm bằng thân cây gọt giũa có hình chữ Y, vừa cầm tay, viên đạn là những viên đá, hòn sỏi. Buổi trưa, lang thang dọc bờ tre chỉ cần thấy con chim đang đậu, hoặc nhảy nhót tìm mồi, hoặc con chim đang bay lượn làm tổ trên đọt tre, gió đến cây tre đong đưa, nhưng thằng Tèo giương ná lên ngắm nghía một hồi, đằng nào con chim ấy cũng rơi xuống đất. Ở lớp học đến những kỳ thi, bạn bè trong lớp đều cắm đầu học, còn thằng Tèo cầm sách vở đọc đâu chỉ vài lần, học như chơi nhưng môn nào cũng tám, chín điểm. Nhiều người lớn tuổi bảo: “Ông trời thường bù lại những khiếm khuyết của con người, hễ có tật, có tài. Ví như người mù, có thể nghe âm thanh tốt hơn, biết phân loại đồng tiền…”.
Cuộc sống vô thường, cuộc đời con người tuy gần mà xa, tuy xa mà gần. Có nhiều người nhân từ, mới cười nói giúp đỡ mọi người đó, phút chốc lại không còn trên thế gian. Như chuyện nhà ông bà Bảy, thấm đẫm nước mắt: Ngày thi tốt nghiệp, vợ chồng bà chở con đi thi, trên đường vô quán nước đợi con, không may bị tai nạn! Thằng Tèo bỏ thi, hối hả về nhà lo tang lễ. Ở tuổi mười tám, thằng Tèo đã biết mua đất, xây mộ cho cha mẹ, biết tự lo cho thân mình. Làng xóm ai cũng thương, ban đầu thường xuyên đến nhà thăm hỏi, sau thưa dần vì còn có cuộc sống riêng. Năm sau, bạn bè trong lớp đến khuyên đi học lại nhưng thằng Tèo không đi, vì sợ bỏ nhà hoang, không ai chăm sóc phần mộ ba mẹ. Hằng ngày, ngoài việc làm ruộng vườn tự lo bản thân mình, lúc rảnh rỗi thằng Tèo cứ đến nghĩa trang lau dọn phần mộ. Cũng từ đây, có thể mặc cảm thân phận côi cút, cũng có thể mặc cảm nghèo xấu, thằng Tèo ít nói chuyện, ngại tiếp xúc với mọi người. Niềm vui của nó là đến nghĩa trang, đọc những cuốn sách dày cộm và đắm chìm vào những giấc mộng xa xôi.
Hai mươi năm sau, trong số bạn học cũ, chỉ có Tỉnh là còn chơi với thằng Tèo. Sở dĩ thân nhau là hai đứa ở cùng xóm, học chung từ nhỏ, nể nhau vì thay phiên học giỏi nhất, nhì trong lớp. Số phận hai người trái ngược nhau, Tỉnh đẹp trai, nhà giàu, nhỏ đi học được cha mẹ đưa đón cho học thêm, khi ra trường được ba mẹ xin việc làm ở trên tỉnh, rồi từ chuyên viên lên chức phó phòng, trưởng phòng. Cuộc đời cứ êm ả tiến bước. Rồi Tỉnh có vợ, có con, lập nghiệp ở thành phố, cuộc sống bận rộn, một vài tháng về thăm gia đình, ghé thăm bạn cũ. Một lần Tỉnh đến nhà bạn chơi, quan tâm hỏi: “Sao mày không chịu có vợ?”. Thằng Tèo: “Tao sống một mình quen rồi, không muốn có vợ nữa! Giả sử sau này tao mất, không ai chôn cất, mày làm chủ tang cho tao nhé?”. Tỉnh nửa đùa nửa thật: “Cuộc đời ai lường trước được, chưa biết thằng nào chết trước thằng nào. Nhưng nếu mày chết không ai chôn cất, tao sẽ lo…”.
Cũng có lần, Tỉnh về thăm gia đình, xách chai rượu Tây đến nhà thăm bạn. Thằng Tèo sống cô đơn, có được người bạn yêu quý đến thăm thôi thì vui mừng lắm. Hắn hối hả bắt gà, làm gỏi, nấu cháo, hai thằng ngồi bên hiên nhà nhậu thâu đêm, kể lại những kỷ niệm tuổi thơ, thời đi học, đàm luận đủ thứ chuyện trên đời. Trong lúc cao hứng, thằng Tèo tâm sự:
- Từ ngày cha mẹ mất, hầu như tuần nào tao cũng đến nghĩa trang lau dọn, đốt hương. Ở nghĩa trang toàn là bê-tông, không có cây xanh, nắng chói chang. Ngày xưa ở nghĩa trang ít mộ, bây giờ ở nghĩa trang nào cũng đã trên vài ha đất, chật kín. Tao lo lắng nếu cái đà này một, hai trăm năm sau, người chết giành đất với người sống…
Tỉnh cười trêu:
- Mày lo xa thật, đến những một, hai trăm năm sau…
Thằng Tèo đưa mắt nhìn ra ngoài trời xa xăm:
- Thật đấy! Khi ấy dân ngày càng đông đúc, ngoài những ngôi nhà cao tầng, đâu đâu cũng nghĩa trang, cũng mộ, người dân không có đất sinh sống phải chặt cây phá rừng, kiếm đất để canh tác. Như vậy, rừng thiên nhiên càng ngày càng thu hẹp, mất cân bằng sinh thái, khí hậu nóng hơn…
Tỉnh hỏi:
- Vậy theo mày phải làm sao?
Thằng Tèo mộng tưởng, phác họa:
- Thay vì mỗi người chết phải xây một mộ bê-tông, giờ thì trồng cây có tuổi thọ cao. Mỗi ngôi mộ là một cây xanh, nghìn ngôi mộ thành một cánh rừng. Ở gần dưới gốc cây, có tấm biển ghi tên tuổi, ngày, tháng người mất, người trồng. Hằng năm, vào những ngày tảo mộ, người dân đến đây dọn dẹp, rong sửa cành, dưới gốc cây trồng nhiều loại hoa đẹp và sạch sẽ. Ngày ấy biết đâu thật thú vị, những ngày nghỉ cuối tuần, những ngày lễ, Tết, người dân đến đây tổ chức cắm trại, vui chơi, hòa mình với thiên nhiên núi rừng, thưởng thức không khí trong lành. Một trăm năm sau, hai trăm năm sau, thành cánh rừng già xanh ngát, mát rượi...
Thằng Tèo ngừng lại lấy hơi, rồi hỏi:
- Mày nhắm mắt lại, tưởng tượng xem, lúc ấy môi trường sống có tốt đẹp hơn không?
Tỉnh nhắm mắt lại, tưởng tượng, mỗi ngôi mộ trồng một cây xanh, nghìn ngôi mộ thành cánh rừng. Một trăm năm sau, hai trăm năm sau, thành cánh rừng già xanh ngát, mát rượi. Tỉnh nói:
- Biết thế, nhưng hàng nghìn năm nay người ta chôn cất, không ai làm như thế đâu!...
- Thì thế…
Đến đây, thằng Tèo gởi gắm giấc mộng của mình:
- Tao sống một mình, chẳng còn ai thân thích. Sau này tao mất, mày giúp giùm tao trồng một cây xanh có tuổi thọ cao lên mộ. Tao muốn môi trường thêm xanh, hoặc chỉ làm bóng mát, nơi nghỉ chân cho mọi người đi thăm mộ…
Thấy thằng Tèo nghiêm túc, thiết tha, Tỉnh hứa đại:
Ừ, yên tâm!
Rồi Tỉnh đưa cha mẹ lên thành phố ở với mình, cuộc sống phố thị bận rộn, ít khi về quê. Thỉnh thoảng vào những ngày giỗ họ, cuối năm dẫy mả mới về quê một lần. Có khi Tỉnh mang ít quà cho bạn, có khi vội vàng trở về phố. Bỗng một ngày đang công tác ở Hà Nội, bạn học cũ điện thoại lên báo, thằng Tèo đang đêm ngủ, sáng dậy đi luôn rồi! Khi Tỉnh về, bà con lối xóm đã chôn cất xong, di ảnh đã đưa về chùa thờ cúng. Nhớ lại lời hứa với bạn, Tỉnh không thể thực hiện được, trong lòng cảm thấy có lỗi với bạn vô cùng.
Tỉnh nhắm mắt lại, tưởng tượng, mỗi ngôi mộ trồng một cây xanh, nghìn ngôi mộ thành cánh rừng. Một trăm năm sau, hai trăm năm sau, thành cánh rừng già xanh ngát, mát rượi…