Giấc mơ nông thôn mới thông minh

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên đến năm 2022 đã gần cán mốc 47 triệu đồng. Đây là xã điểm được tỉnh lựa chọn để xây dựng nông thôn mới thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ xã đồng hành với người dân trong sản xuất.
Cán bộ xã đồng hành với người dân trong sản xuất.

Lấy dân làm gốc

Nằm ở hạ lưu sông Bồ, xã Quảng Thọ được ưu đãi một lượng phù sa rất lớn làm cho đất đai màu mỡ, thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, vị trí đó cũng khiến Quảng Thọ trở thành một trong những điểm ngập lụt mỗi khi mưa bão.

Chỉ về phía đê bao nằm trên diện tích 20 mẫu của làng La Vân Hạ, ông Hoàng Sơn, làng La Vân Hạ, xã Quảng Thọ cho biết, từ khi địa phương đầu tư cho bà con hệ thống đê bao và đường giao thông thuận tiện, chúng tôi đã hồi sinh nghề trồng hoa của làng. “Cán bộ lãnh đạo của xã đa phần sinh ra và lớn lên trên ruộng đất cày nên rất hiểu người nông dân. Chính vì vậy dân đều có cán bộ kề vai, sát cánh. Như trận lụt “trái vụ” gần đây, cả hệ thống chính trị đều tập trung cùng với người dân bắc đê, vận hành máy hút nước…”, ông Sơn cho biết.

Những năm trước, thửa ruộng của gia đình ông Nguyễn Lương Bảo trồng nông sản kém hiệu quả. Sau khi được cán bộ xã hướng dẫn, xuống tận bờ ruộng gỡ khó, ông Bảo từ một nông dân nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá với mô hình sản xuất rau má hữu cơ được nhân dân trong vùng đến học tập, làm theo. Ông Bảo cho biết: Rau luôn được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra. Gia đình tôi đã kiên trì trồng ba năm, thu nhập ổn định. Nhiều hộ cũng học để chuyển đổi trồng theo.

Ông Hoàng Văn Long, Bí thư chi bộ thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ chia sẻ: Tôi cũng là người sản xuất rau má, làm nông nên hiểu tâm lý bà con. Cán bộ cơ sở, cán bộ xã đã cùng với dân trực tiếp chuyển đổi mô hình. Với các mô hình được Nhà nước hỗ trợ thì chúng tôi tập trung họp để đẩy mạnh những mô hình hiệu quả.

Mô hình xã điểm

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Trần Phú, hiện nông nghiệp ở xã phát triển rất tốt. Một số mô hình, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được phát triển nhân rộng. Hiện xã có 70ha (52ha VietGAP) rau má, sản lượng ước đạt hơn 2.500 tấn, giá trị đạt từ 300-350 triệu/ha. Hoa cúc 11,5ha, giá trị bình quân đạt hơn 400 triệu đồng/ha; đậu các loại 72ha, giá trị đạt hơn 250 triệu đồng/ha; Nưa 3,5ha, giá trị đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Riêng nuôi cá lồng năng suất bình quân đạt hơn 250kg/lồng/năm, giá trị đạt hơn 12 tỷ đồng; cá hồ 30 tấn, giá trị đạt hơn 1,2 tỷ đồng.

Cán bộ xã còn chủ động hướng dẫn nông dân thành lập hợp tác xã để tham gia vào chuỗi chế biến, tạo nên nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch vụ thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản bị giảm mạnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ II đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất bột matcha rau má, bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện trà rau má đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Riêng Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ I đã hoàn thành hồ sơ thương hiệu và chuẩn bị hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP với dầu lạc Quảng Thọ.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Hoàng Công Phong cho biết: Thời gian qua, UBND xã đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiệm vụ của cán bộ, công chức, sản xuất của nhân dân và đã đạt được những kết quả bước đầu giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.

Hiện Quảng Thọ đã lắp 25 camera giám sát và xây dựng 9 điểm phát wifi miễn phí cho người dân trên địa bàn; triển khai các ứng dụng, phần mềm dùng chung của tỉnh dành cho cán bộ, công chức, người dân cùng nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao nhận thức, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của nhân dân. Hướng đến thanh toán trực tuyến, xã đã làm việc với nhiều tổ chức tài chính để người dân thuận tiện trong giao dịch. Hiện bà con đã thanh toán không dùng tiền mặt trong các dịch vụ phổ biến như tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông, đóng nộp các quỹ của đơn vị. Cơ sở giáo dục cũng thu-nộp học phí, các khoản thu, nộp hợp pháp khác trên các nền tảng không dùng tiền mặt… Chính quyền, công chức xã cũng tương tác với người dân thông qua hệ thống truyền thanh thông minh, ứng dụng nhắn tin trên điện thoại thông minh, hội thoại nhóm… Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thọ Võ Việt Đức cho biết: Chúng tôi phân công trực tiếp cho các đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy, các đảng viên về sinh hoạt với địa bàn. Từ đó giải quyết các vướng mắc, khó khăn để cho bà con an tâm trong sản xuất.

Xã Quảng Thọ đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2021; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm xã điểm nông thôn mới công nghệ 4.0.