Giá xăng dầu giảm, ngư dân Nghệ An lại bám biển

Gần đây giá xăng dầu đã giảm dần, việc ngư dân tại các vùng bãi ngang lại tiếp tục đồng loạt ra khơi trở lại là tín hiệu rất đáng mừng. Bà con vừa bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo vừa tạo thu nhập ổn định và bảo đảm nguồn cung cấp hải sản trên thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu giảm, ngư dân Nghệ An lại bám biển

Trong thời gian giá xăng dầu tăng chóng mặt, nhiều tàu cá không chỉ riêng ở Nghệ An mà tại nhiều tỉnh, thành phố, ngư dân ven biển không thể vươn khơi, nhiều ngư dân cũng phải cho tàu nằm bờ, gác ngư cụ hoặc tính chuyển nghề. Từ ngày 11/7 cho đến gần đây, giá xăng dầu quay đầu giảm, niềm vui lớn đã được trở lại với ngư dân. Những bến neo đậu tàu thuyền lại tấp nập rục rịch vươn khơi đánh bắt hải sản. Toàn xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu có khoảng 200 tàu thuyền, trong đó có 60% tàu có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ, số còn lại đi về trong ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích Nguyễn Văn Liên cho biết: Từ ngày 11/7, tàu thuyền trên địa bàn cơ bản đã trở lại vươn khơi, số tàu thuyền nằm bờ rất ít. Đây là tín hiệu đáng mừng sau khoảng thời gian dài việc đánh bắt hải sản bị đình trệ, một số ngư dân buộc phải chuyển công việc khác.

Với tàu dưới 90 CV, đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày tốn khoảng 800 lít dầu, với mức giá giảm 3.000 đồng/lít dầu, sẽ giảm được từ 2-3 triệu đồng mỗi chuyến. Với những tàu lớn, đi dài ngày, mỗi chuyến phải hàng nghìn lít dầu thì bớt được cả chục triệu đồng tiền xăng dầu. Không chỉ tại huyện Diễn Châu mà các địa phương khác ven biển tỉnh Nghệ An như ở huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và thị xã Cửa Lò..., bà con ngư dân cũng trở lại bám biển. Theo báo cáo của cơ quan chức năng thị xã Cửa Lò, hiện tại địa bàn có gần 400 tàu thuyền các loại đã vươn khơi để đánh bắt hải sản từ thời điểm giá xăng dầu giảm. Có những thuyền đã đi được từ hai đến ba chuyến biển trở về.

Hiện nay, tại tỉnh Nghệ An có hơn 3.400 tàu, trong đó, có hơn 1.000 tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Với lực lượng gần 20 nghìn lao động nghề biển, được xem là một trong những ngành kinh tế trọng điểm trên địa bàn. Việc ngư dân đồng loạt ra khơi trở lại là tín hiệu khá khả quan, vừa tạo thu nhập ổn định vừa bảo đảm nguồn cung hải sản trên thị trường.