Ghìm đà tăng giá xăng, dầu

Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, chính vì vậy, khi giá nguyên liệu này tăng lên mức kỷ lục đã tạo ra hiệu ứng đẩy giá dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân. Ghìm đà tăng giá xăng, dầu trong nước giữa bối cảnh khủng hoảng năng lượng lan ra toàn cầu là bài toán khó nhưng cần phải giải vì mục tiêu an sinh xã hội.

Xăng, dầu tăng giá ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân. Ảnh: SONG ANH
Xăng, dầu tăng giá ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân. Ảnh: SONG ANH

Hiệu ứng domino

Tại kỳ điều hành giá mới đây, xăng RON 95-V đã tăng lên 32.170 đồng/lít, xăng E5 RON 92-II 30.230 đồng/lít, dầu diesel 27.190 đồng/lít, dầu hỏa 25.340 đồng/lít, dầu mazut 20.900 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay!

Là chủ một doanh nghiệp vận tải taxi lớn trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Công ty Quản lý G7 taxi đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” khi xăng, dầu liên tục tăng phi mã mà nhu cầu đi lại của hành khách giảm. Để tồn tại, ông Quân cho biết, G7 và rất nhiều đơn vị vận tải khác đành phải bán bớt xe, thu gọn quy mô hoạt động.

“Giá xăng, dầu tăng trong khi giá cước lại không thể tăng vì giữ khách khiến doanh nghiệp vận tải lâm vào cảnh khó khăn chưa từng có. So với giai đoạn phát triển nhất, lượng xe của đơn vị đã giảm gần 30%. Xăng, dầu tăng giá cũng khiến rất ít lái xe còn có thể trụ lại với nghề”, ông Quân cho biết.

Tại Hà Nội, cá biệt có doanh nghiệp taxi đã phải bán 3.000/3.300 xe vì không đủ nguồn lực để hoạt động trong bối cảnh “hậu Covid-19” và giá xăng, dầu liên tục leo thang. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cho biết, với tốc độ tăng giá phi mã, chi phí xăng, dầu đã chiếm khoảng 60% tổng chi phí của ngành vận tải. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vận tải cho xe lăn bánh chỉ xác định để cầm cự, duy trì hoạt động. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa mới khôi phục được khoảng 80%, vận tải hành khách khôi phục khoảng 60% so với trước kia.

Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp vận tải, giá xăng, dầu tăng cao khiến cho giá của nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, nguyên phụ liệu, dịch vụ đều tăng. Các chuyên gia cũng nhận định đà tăng của giá xăng, dầu đang tạo sức ép lớn đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Chính phủ.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Xăng, dầu cứ tăng 10% thì làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào khác như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… Từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế.

Giải pháp thuế, phí

Hiện, giá xăng, dầu đang áp bốn loại thuế gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Trước diễn biến giá dầu thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ông Nguyễn Văn Quyền đề xuất: Nếu vẫn giữ mức thuế như hiện nay sẽ đẩy giá xăng, dầu trong nước tiếp tục lập kỷ lục mới, kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác gia tăng theo. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cho rằng nên cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu về mức 0%. Với các loại thuế khác nên nghiên cứu tiếp tục giảm để kìm đà tăng giá.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/6 vừa qua, giải đáp về các loại thuế của mặt hàng xăng, dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết: Tại Việt Nam, sau khi có chính sách về giảm thuế, tỷ trọng thuế với xăng khoảng 29-31%, còn đối với dầu diesel khoảng 13,3%. Về thuế bảo vệ môi trường, trong năm 2021-2022, để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi, chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn có mức giảm 50-70% để hỗ trợ giảm giá xăng, dầu.

Hiện tại, trong bối cảnh giá xăng, dầu lên cao, ngày 21/4, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành báo cáo Chính phủ về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12% nhằm đa dạng hóa các nguồn cung xăng, dầu. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, không có quy định về việc miễn giảm thuế đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt của chúng ta hiện nay với mặt hàng xăng cũng đang ở mức thấp trên thế giới.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Đứng trước tình thế giá xăng, dầu tăng liên tục ở mức cao, lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc bảo đảm nguồn cung xăng, dầu phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như xăng, dầu cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, có ba biện pháp tập trung thực hiện nhằm kiềm chế cao nhất mức tăng của giá xăng, dầu:

Thứ nhất, chúng ta cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Thứ hai, chúng ta phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng, dầu. Thí dụ, hiện nay có thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Vừa qua, Bộ Công thương đã đề xuất, kiến nghị và Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022, có hiệu lực đến hết năm nay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các thuế có liên quan cơ cấu giá xăng, dầu.

Thứ ba, Bộ Công thương có quan điểm là muốn giảm được mức tăng giá xăng, dầu không phải chỉ có riêng Bộ Công thương và Bộ Tài chính, mà đây còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân, hướng đến những đối tượng người nghèo, hộ chính sách… và phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay. Chúng tôi tin rằng, với những biện pháp hiện nay và sắp tới sẽ cố gắng ở mức cao nhất để bảo đảm điều chỉnh mức giá xăng, dầu trong khả năng cho phép.

Giá dầu thế giới đóng phiên giao dịch cuối tuần tăng mạnh bất chấp thông tin Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vừa công bố tăng sản lượng. Ngày 4/6, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đóng phiên cuối tuần tăng vọt 2,9% lên 120,26 USD/thùng; dầu Brent tăng 2,95% lên 121,08 USD/thùng. Thậm chí, một số dự báo cho thấy, giá dầu có thể tiếp tục tăng vượt đỉnh trong thời gian tới.