Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi
Sáng 7/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch phục vụ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 tại điểm thi Trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Văn Miếu, quận Đống Đa).
Theo Hội đồng coi thi, điểm thi Trường THCS Lý Thường Kiệt có 12 phòng thi với gần 290 thí sinh. “Qua kiểm tra, sơ bộ công tác chuẩn bị như phân luồng tại cổng ra vào, bố trí chỗ gửi xe, chỗ chờ cho phụ huynh đưa đón học sinh... tại điểm thi Trường THCS Lý Thường Kiệt được chuẩn bị chu đáo, công tác bảo đảm phòng dịch được thực hiện đến tận phòng thi; cơ sở vật chất đầy đủ, có phòng cách ly, phòng y tế và trang thiết bị đa phần đáp ứng tốt tình hình để phục vụ kỳ thi”, đồng chí Chu Ngọc Anh đánh giá.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, chưa bao giờ toàn bộ hệ thống chính trị chung tay tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm nay. Đồng chí mong muốn các phụ huynh cùng với nhân dân Thủ đô tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chúc các thí sinh sức khỏe tốt nhất, hoàn thành tốt nhất kỳ thi.
Về biện pháp tăng cường chống dịch tại thời điểm hiện nay, đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố luôn chủ động để kiểm soát tình hình. Vừa qua, chính quyền đã nới lỏng một số dịch vụ thiết yếu, tuy nhiên có nơi, có lúc một bộ phận chấp hành chưa nghiêm, có biểu hiện lơ là, chủ quan, trong khi đó nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với Hà Nội rất lớn.
Báo cáo nhanh sau khi kết thúc môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, có 509 thí sinh vắng thi. Trong đó, có 167 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (5 thí sinh diện F0, 26 thí sinh diện F1, 107 thí sinh diện F2 và 29 thí sinh diện phong tỏa). Trong buổi thi Ngữ văn sáng 7/7, các hội đồng thi ghi nhận 1 thí sinh vi phạm quy chế (mang điện thoại vào phòng thi), bị đình chỉ thi; không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế. Tại Hà Nội, cũng có một điểm thi phải thay thế toàn bộ cán bộ tham gia do lãnh đạo điểm thi trở thành F1 trước khi diễn ra buổi thi đầu tiên.
Đề thi Ngữ văn động viên tâm lý thí sinh mùa dịch
Sáng 7/7, các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn. Là môn thi theo hình thức nghị luận duy nhất trong kỳ thi năm nay, Ngữ văn cũng là môn duy nhất thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian làm bài. Năm nay, cấu trúc đề thi vẫn được giữ nguyên so kỳ thi THPT các năm trước, cả về thời gian lẫn hình thức làm bài thi. Trong khoảng thời gian 120 phút, thí sinh sẽ phải hoàn thành hai phần là “Đọc hiểu” (3 điểm) và “Làm văn” (7 điểm).
Thí sinh Hoàng Anh Vũ, học sinh Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) thi tại điểm thi Trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ: Đề Ngữ văn năm nay ở mức độ vừa phải. Trước đó, các học sinh đã được ôn thi online rất nhiều nội dung; các câu hỏi trong phần “Đọc, hiểu” cũng không yêu cầu hiểm hóc về các biện pháp nghệ thuật, do đó thí sinh dễ làm bài, dễ kiếm điểm. “Đề thi ra về tác phẩm “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh, là một tác phẩm thơ nhiều thí sinh quen thuộc và có nhiều cảm xúc nên thí sinh dễ viết và dễ đạt điểm tốt”, Duy nhận định.
Thí sinh Nguyễn Mai Anh, học sinh Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, dự thi tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Du, nhận xét đề không khó để làm, nhưng để đạt được điểm tốt thì còn tùy vào người chấm, do tính tự luận nhiều. Câu nghị luận xã hội về chủ đề “Cống hiến” cũng khiến thí sinh dễ trình bày suy nghĩ, rất thích hợp trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều thí sinh thích câu hỏi nghị luận xã hội bàn về một vấn đề thiết thực trong cuộc sống, phù hợp phần lớn học sinh, đó là sự cần thiết phải cống hiến. Chủ đề này được đánh giá phù hợp tình hình dịch bệnh hiện nay, khi đất nước luôn cần sự cống hiến của mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Đề Ngữ văn nhẹ nhàng, động viên tâm lý sĩ tử mùa dịch rất tốt”, thí sinh Nguyễn Mai Anh nhận xét.
Cô giáo Bùi Hoài Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận xét: So đề thi năm 2020, độ khó của đề thi Ngữ văn năm nay cao hơn, đặc biệt ở phần nghị luận. Ở phần này, yêu cầu thí sinh bàn về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn hay, mang tính giáo dục cao, có tính thời sự, khơi gợi được lẽ sống đẹp ở các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, tinh thần cống hiến lại càng cần được phát huy.
Để làm tốt câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh phải vận dụng hiểu biết và các kỹ năng viết đoạn nghị luận xã hội (giải thích, phân tích, chứng minh…) để làm bật lên sự cần thiết của lẽ sống này đối với bản thân và cộng đồng. Các em cần trình bày đúng yêu cầu về hình thức của đoạn văn…