Bài viết tham dự Cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025

Gan dạ thời chiến, tình nghĩa thời bình

Anh Sáu Tâm chia sẻ: “Tôi còn nợ anh em nằm lại trên chiến trường mạng sống này nên hứa với anh em sống sao cho xứng đáng”. Quen biết và làm việc cùng anh Sáu Tâm mấy năm nay, tôi nhận thấy anh nói ít, làm nhiều và luôn trăn trở để thực hiện tốt nhất lời tâm sự nói trên.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng anh Sáu Tâm và các cựu chiến binh Trung đoàn 271 thắp hương tưởng niệm Bác Hồ ở Góc văn hóa Hồ Chí Minh.
Vợ chồng anh Sáu Tâm và các cựu chiến binh Trung đoàn 271 thắp hương tưởng niệm Bác Hồ ở Góc văn hóa Hồ Chí Minh.

Anh Sáu Tâm, người chiến sĩ biệt động của cụm tình báo chiến lược H67 năm xưa, chỉ huy Trung đoàn 271 thời kỳ 1978-1980, hiện là Phó Viện trưởng Nghiên cứu và đào tạo doanh nhân APEC. Thời gian qua, anh nhiệt tình đôn đốc việc tiếp tục báo cáo UBND và các ban, ngành tỉnh Tây Ninh việc xin cấp đất để dựng nhà bia và bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 đã hy sinh ngày 19/2/1972 vì trận bom B52 ở Tà Săng; cùng với đó, phối thờ các liệt sĩ Trung đoàn 271 đã hy sinh ở Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978-1979.

Từ người chỉ huy biệt động

Anh kể tôi nghe một trận đánh khi anh còn rất trẻ, là đội trưởng biệt động Trảng Bàng. Lần ấy, đội anh được giao trừng trị, thi hành bản án tử hình tên đại úy, chỉ huy trưởng lực lượng Phượng hoàng-Thiên nga của tên tỉnh trưởng Hậu Nghĩa, có nhiều nợ máu với nhân dân. Nhận nhiệm vụ trực tiếp thi hành án là một đội viên nữ còn trẻ. Qua theo dõi quy luật hoạt động của tên đại úy, chị quyết định hành động ở ngã ba một đoạn đường, nơi hắn thường đi bách bộ. Hôm ấy chị giấu súng vào người, giả làm người bán hàng rong, khi vừa đối diện với hắn, chị chĩa súng bóp cò. Rủi thay viên đạn bị lép, súng không nổ. Nhanh như cắt, chị bình tĩnh kéo khóa nòng, bóp cò và viên đạn găm trúng người hắn. Nghe tiếng súng, địch ùa tới và chúng bắt được chị. Tên đại úy bị thương nhưng không chết. Tên tỉnh trưởng lồng lộn ra lệnh trả thù. Chúng lùng sục bắt giam toàn bộ người thân của nữ đội viên H67. Chị bị hành hạ tới chết và người nhà bị khảo tra, đánh đập đến tàn phế. Cố truy tìm tổ chức mật của ta, song chúng không có được manh mối gì.

Một năm sau, thời cơ trừng trị tên đại úy lại tới khi hắn về dự lễ trao giải cho một trường trung học trong tỉnh. Lần đó, Sáu Tâm nhận nhiệm vụ ném quả lựu đạn tiêu diệt tên đại úy. Nhưng lúc thuận lợi nhất, anh đã không tung lựu đạn, bởi nếu lựu đạn nổ, tên đại úy chắc chắn sẽ chết, nhưng sẽ kéo theo 4-5 người dân vô tội. Phải mất thêm gần nửa năm đeo bám nữa, thời cơ mới đến với anh. Hôm đó Sáu Tâm tiếp cận được tên đại úy ở chỗ khá đông người nên anh chờ mục tiêu đến thật gần mới nổ súng. Ba viên đạn liên tiếp được bắn ra từ khẩu súng ngắn đều găm vào người tên đại úy, viên thứ ba bắn trúng ngực, hắn gục ngay tại chỗ. Sau lúc bất ngờ, kẻ địch la lối vang trời, nhưng anh đã bình tĩnh ném bỏ súng, lẩn nhanh vào đám đông hoảng loạn.

Đến doanh nhân thành đạt

Sau ngày nghỉ hưu, máu kinh doanh nổi lên trong người Sáu Tâm, anh nghĩ mình còn khỏe, còn cống hiến được cho đất nước và nhất là qua kinh doanh sẽ có điều kiện giúp đỡ được cho các cựu chiến binh, đồng đội còn đang khó khăn.

Tôi đã có dịp được anh mời thăm một vài cơ sở kinh doanh của vợ chồng anh và các con ở Ninh Hòa, ở TP Hồ Chí Minh, ở biên giới Việt Nam - Campuchia, nơi nào cũng quy củ, chuẩn chỉ. Tôi gặp ở đó các cựu chiến binh của Trung đoàn 271 và nhiều đơn vị, những người lính chiến ngày nào nay được anh “huấn luyện” thành những công nhân thành thạo công việc và được trả công xứng đáng.

Ở Ninh Hòa quê vợ Sáu Tâm, tôi ngỡ ngàng khi đến thăm Vườn hoa ơn Bác. Công trình chính trong vườn hoa là ngôi nhà khoảng 200m2, anh đặt tên là Góc văn hóa Hồ Chí Minh, mở cửa hằng tuần cho nhân dân, nhất là các bậc cao tuổi đến thưởng ngoạn. Tôi dùng từ “thưởng ngoạn” vì khách đến thăm vừa được đọc sách, xem tranh ảnh, xem băng video, YouTube nói về Đảng, cách mạng, về Bác Hồ, và còn được mời trà, cà-phê và ăn sáng. Trong khuôn viên Vườn hoa ơn Bác rộng khoảng một héc-ta, anh Sáu Tâm cho xây vườn cảnh với nhiều tiểu cảnh có ý nghĩa như núi Các Mác, suối Lê-nin, Bắc Trung Nam một nhà, Bác Hồ gặp bộ đội ở đền Hùng… Anh cũng cho đặt nhiều bia đá khắc những câu nói của các bậc danh nhân trong nước, cùng nhiều loài hoa thơm, quả ngọt. Tôi còn thấy ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nơi gia đình anh sinh sống, có thông báo hỗ trợ và tư vấn sức khỏe cộng đồng, người cao tuổi. Thử gọi điện vào số máy tư vấn, bên đầu dây, bác sĩ trả lời sẵn sàng phục vụ.

Và con đường đền đáp

Tháng 5/1972, Tiểu đoàn 2 của Quân khu C40 (tháng 8/1973, tiểu đoàn về đội hình Trung đoàn 271) về đóng quân tại ấp Lợi Hòa Đông, ấp Tịnh Phong, ấp Cây Dương và ấp Bàu Mây thuộc xã An Tịnh (nay thuộc tỉnh Tây Ninh) ém quân củng cố, chờ tiếp cận, tập kích vào căn cứ mũi 1 bàu Chà Rầy, bót Cầu Ván, Cầu Xe và sân bay dã chiến Cà Tum. Nhưng chẳng may bị lộ, Tiểu đoàn bị địch vây đánh bốn mặt. Mặc kẻ địch càn quét, bà con ở đây đã che chở cho anh em tiểu đoàn đánh trả kiên cường, diệt hơn 150 tên Mỹ, bắn cháy 21 xe tăng M41 và xe bọc thép M113…; hơn 40 thương binh và 38 liệt sĩ được bà con chăm sóc, an táng chu đáo. Sau trận đó, nhân dân xã An Tịnh nén đau thương tiếp tục kháng chiến chống Mỹ. Thêm sáu trận thắng lớn ở Bàu Điều, Đồng Chùa, Trung Hòa, Thái Mỹ gây nhiều kinh hoàng cho Mỹ, ngụy. Nhân dân phấn khởi tin tưởng hết lòng với cách mạng. Xã An Tịnh hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Xã An Tịnh đã lên phường, huyện Trảng Bàng lên thị xã của tỉnh Tây Ninh, ấp thành khu phố… Nhưng đường đi lại của bà con vẫn chưa có đèn đường. Nhiều khi các cháu học sinh mặc áo dài vẫn lấm lem bùn đất đỏ…

Trước tình hình khó khăn đó, anh Sáu Tâm đã bàn với vợ con quyết định tài trợ cho xã 2,7 tỷ đồng để làm một con đường đền ơn đáp nghĩa cho bà con nhân dân tại đây. Thứ tư ngày 14/12/2022 vừa qua, con đường này đã được khởi công, sẽ dài hơn 1km, trục chính 300m với 100 cây đèn, sẽ chạy qua các nhà mẹ Việt Nam Anh hùng. Được biết, xã có 876 liệt sĩ, 181 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, riêng khu phố An Đước có 144 liệt sĩ, 25 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tôi biết anh chị Sáu Tâm còn ấp ủ nhiều điều, trước mắt là tài trợ chính cho công trình tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 hy sinh vì trận bom B52 ngày mồng 5 Tết năm 1972. Thật ấm lòng khi tôi được ông chia sẻ: “Em ráng vận động anh em 271 cả nước ủng hộ, thiếu đâu anh sẽ lo, cốt làm sao có chỗ tươm tất để tưởng nhớ anh em mình”.

Tôi tình cờ thấy được ở phòng khách nhà anh nhiều bức ảnh, thư cảm ơn của các đơn vị trong và ngoài quân đội như Cảnh sát biển Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175, Sở Giao thông vận tải Tây Ninh, Trung đoàn 271, các trường học… Những lá thư thể hiện lòng cảm kích ông Sáu Tâm đã có những tình cảm và tài trợ quý báu dành cho đơn vị. Không chỉ Sáu Tâm mà cả vợ và các con cháu của anh chị đều sẵn lòng chia sẻ, sẵn lòng đáp ứng những đề nghị ấy.