Eurozone “giảm nhiệt” lạm phát

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) vừa công bố số liệu cho thấy, lạm phát trong tháng 6 tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã hạ nhiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ không đủ để thuyết phục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất.
0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát tại Eurozone đã giảm dần từ tháng 10 năm ngoái. Ảnh: AFP
Lạm phát tại Eurozone đã giảm dần từ tháng 10 năm ngoái. Ảnh: AFP

ECB chưa sẵn sàng giảm lãi suất

Theo Eurostat, lạm phát giá tiêu dùng ở Eurozone là 2,5% trong tháng 6, giảm so mức 2,6% hồi tháng 5. Lạm phát cơ bản (trừ giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) ở mức 2,9%. Lạm phát đã giảm dần kể từ khi đạt mức đỉnh 10,6% vào tháng 10/2022 sau khi bùng phát xung đột tại Ukraine, buộc ECB phải tung ra một loạt đợt tăng lãi suất chưa từng có. Đầu tháng 6 vừa qua, ECB đã cắt giảm lãi suất lần đầu kể từ năm 2019.

Tại Đức, lạm phát trong tháng 6 giảm hơn so dự kiến. Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho hay, mức tăng giá hàng hóa và dịch vụ ở nước này đã thấp trở lại trong tháng 6 vừa qua. Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức trong tháng 6 tăng 2,2% so cùng kỳ năm ngoái. Về cơ bản, xu hướng lạm phát của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu cũng như các nền kinh tế Eurozone nhìn chung vẫn đi xuống. Điều này sẽ giúp ECB có thêm dư địa để giảm lãi suất cơ bản trong năm nay.

ECB đang nỗ lực để đưa tỷ lệ lạm phát của Eurozone trở lại mục tiêu 2% - mức mà ECB coi là lý tưởng để vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định giá cả. Trong một phát biểu ngày 1/7 tại Bồ Đào Nha, Chủ tịch ECB - bà Christine Lagarde cảnh báo: “ECB sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi giành chiến thắng và lạm phát trở lại mức 2%”.

Trong khi đó, chuyên gia Jack Allen-Reynolds của Công ty tư vấn Capital Economics có trụ sở tại London (Anh) cho rằng, ECB sẽ không cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tháng 7 và dữ liệu lạm phát của tháng 6 sẽ củng cố khuynh hướng hành động thận trọng của các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng, ECB có thể hạ lãi suất vào cuối năm nay.

Kinh tế ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực

Một diễn biến khả quan tiếp theo của nền kinh tế Eurozone là tỷ lệ thất nghiệp. Eurostat vừa công bố số liệu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro trong tháng 6 vẫn ở mức thấp kỷ lục 6,4% như tháng trước đó. Điều này cũng phù hợp nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.

Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, thị trường lao động châu Âu đang phát triển rất tốt. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhưng việc làm vẫn tăng 2,6 triệu người kể từ cuối năm 2022. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng euro vẫn ở mức thấp lịch sử. Khả năng phục hồi của thị trường lao động phản ánh sự kết hợp bất thường của các cú sốc xảy ra ở Eurozone. Việc thiếu lao động khiến các công ty phải "tích trữ" nhân lực, hạn chế thấp nhất việc sa thải nhân viên bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Họ lo ngại rằng, nếu sa thải nhân viên, họ sẽ không thể lấp đầy các vị trí công việc khi hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi trở lại.

Trong khi đó, báo cáo đánh giá ổn định tài chính 6 tháng một lần của ECB cho rằng, các điều kiện kinh tế của Eurozone đã cải thiện so 6 tháng trước, song triển vọng vẫn còn mong manh. ECB lưu ý sự gia tăng căng thẳng địa-chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng, làm gia tăng lạm phát và bào mòn niềm tin của giới đầu tư vào triển vọng tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Eurozone được dự báo sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm 2024. Các số liệu kinh tế tích cực càng củng cố thêm quan điểm của Chủ tịch ECB Christine Lagarde rằng, việc hạ lãi suất hiện không phải là yêu cầu cấp bách.