EU tìm giải pháp cho vấn đề năng lượng

CH Czech - nước Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ triệu tập hội nghị bất thường của các bộ trưởng năng lượng toàn khối vào ngày 30/9 để bàn về cuộc khủng hoảng năng lượng mà liên minh này đang đối mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà máy sản xuất năng lượng hydrogen đang được xây dựng tại Đức. Ảnh: OFFSHORE WIND
Một nhà máy sản xuất năng lượng hydrogen đang được xây dựng tại Đức. Ảnh: OFFSHORE WIND

Cân nhắc áp giá trần năng lượng

Chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại CH Czech Jozef Sikela thông báo dự kiến trong cuộc họp này, các bên sẽ hoàn tất thảo luận để nhất trí về các giải pháp cấp bách đã được nêu trong cuộc họp bất thường trước đó diễn ra ngày 9/9 ở Brussels (Bỉ). Khi đó, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí về bốn giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao.

Do ảnh hưởng của khủng hoảng tại Ukraine, giá khí đốt châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục kéo theo tình trạng tăng giá cao chưa từng thấy trong lĩnh vực năng lượng. Giá điện tại châu Âu liên quan chặt chẽ với giá khí đốt, đồng nghĩa các công ty điện không sử dụng khí đốt đang được hưởng lợi lớn nhờ giá điện tăng trong khi chi phí đầu vào không tăng.

EU đang cân nhắc áp giá trần với khí đốt nhập từ Nga nhằm bổ sung các biện pháp trừng phạt Moscow liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hiện, các quốc gia châu Âu đang chờ đợi đề xuất từ Ủy ban châu Âu (EC) để có thể thông qua trước cuối tháng này. Tuy nhiên, ngày 13/9, báo The Guardian của Anh đưa tin, EC có kế hoạch chỉ áp dụng mức thuế bổ sung đối với lợi nhuận tăng thêm mà các doanh nghiệp năng lượng thu được.

Tại Czech, Bộ trưởng Tài chính Zbynek Stanjura cho biết, Chính phủ Czech sẵn sàng bổ sung các biện pháp bên cạnh những kế hoạch của EU nhằm giảm gánh nặng giá năng lượng leo thang sau cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng năng lượng EU vừa qua. Theo đó, Chính phủ Czech sẽ cân nhắc khả năng ấn định giới hạn giá điện sử dụng trong công nghiệp cùng lúc áp giá trần đối với điện sử dụng trong các hộ gia đình và các cơ quan nhà nước, trong nỗ lực giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Các kế hoạch riêng của CH Czech có thể tiêu tốn 5,6 tỷ USD và kéo dài hai năm.

Theo Bộ trưởng Stanjura, giới hạn giá điện ở mức khoảng 200 euro/MWh (thấp hơn nhiều so giá thị trường trong tháng trước) sẽ là mức giá trần phù hợp đối với các công ty. Đối với khu vực công, Chính phủ Czech muốn bảo đảm nguồn cung điện với giá hợp lý cho những cơ sở như trường học, bệnh viện và các cơ sở công. Để làm được điều này, chính phủ cần quy định các nhà cung cấp bán một lượng điện nhất định cho nhà nước, ở mức dưới 20% sản lượng của họ.

Đức cải cách thị trường điện

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã vạch ra một số ưu tiên trong chính sách năng lượng, tiến tới đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đạt được các mục tiêu khí hậu và cải cách thị trường điện theo hướng giảm áp lực chi phí cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp trước mùa đông tới.

Phát biểu ý kiến tại một sự kiện ở Berlin, ông Scholz cho biết, Đức sẽ tạo nên ngành năng lượng hydrogen phát triển sôi động. Ông khẳng định, Đức sẽ có đủ cơ sở hạ tầng để nhập khẩu tất cả khí đốt cần thiết vào cuối năm 2023. Hiện, Đức đang thực hiện các dự án xây dựng điểm tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dọc bờ biển nước này.

Đức đang nỗ lực tăng dự trữ khí đốt trước mùa đông, mùa tiêu hao năng lượng chủ yếu trong năm, nhanh chóng xây dựng các điểm tiếp nhận khí đốt nhập khẩu từ các nguồn khác ngoài Nga. Theo thông báo của Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này hiện đã được lấp đầy khoảng 87%, đồng thời mỗi ngày khối lượng dự trữ tăng thêm khoảng 0,5%, nhằm đạt mục tiêu dự trữ 95% vào ngày 1/11 tới.

Nền kinh tế hàng đầu châu Âu cũng đã khởi động lại các nhà máy điện than đã dừng hoạt động, quyết định duy trì hoạt động của hai nhà máy điện hạt nhân đến hết tháng 4/2023 thay vì chấm dứt sử dụng điện hạt nhân vào cuối năm. Chính phủ Đức còn công bố kế hoạch trị giá 66 tỷ USD để giảm áp lực lạm phát giá năng lượng, sử dụng cho các biện pháp như hỗ trợ tiền mặt cho sinh viên và người hưu trí.