EU nỗ lực chống lạm phát

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố lạm phát tại khối đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8 năm nay. EU đang cân nhắc đưa ra chính sách tài khóa thận trọng, kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời giúp đỡ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong bối cảnh khủng hoảng.
0:00 / 0:00
0:00
EC họp báo công bố mức lạm phát của EU tăng cao kỷ lục. Ảnh: MEDIUM
EC họp báo công bố mức lạm phát của EU tăng cao kỷ lục. Ảnh: MEDIUM

Lạm phát tăng cao kỷ lục

Số liệu do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại EU đã tăng lên mức kỷ lục 10,1% trong tháng 8 năm nay, tăng đáng kể so mức 9,8% của tháng 7. Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 là 9,1%, cao hơn mức 8,9% trong tháng 7. Các tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2021 khi lạm phát tại Eurozone chỉ là 3% và toàn EU là 3,2%.

Tình trạng tăng giá trong tháng 8 vừa qua cũng diễn ra nghiêm trọng tại Hungary, quốc gia có tỷ lệ lạm phát lên đến 18,6%, tăng vọt so mức 14,7% trong tháng 7, qua đó đưa Hungary trở thành nước có tỷ lệ lạm phát cao thứ tư EU. Tại Thụy Điển, lạm phát ở mức 9% trong tháng 8, mức cao nhất trong 30 năm. Giới phân tích cho rằng, Ngân hàng trung ương Thụy Điển sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế và đưa lạm phát về mức 2%.

Văn phòng thống kê trung ương của Hà Lan ghi nhận tỷ lệ lạm phát của nước này ở mức cao kỷ lục mới là 12% trong tháng 8. Lạm phát tại Bỉ lên mức cao nhất trong 46 năm, ở mức 9,94% trong tháng 8. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3/1976 đến nay. So tháng 7, tỷ lệ lạm phát tính theo năm giảm tại 12 quốc gia thành viên EU và tăng ở 15 quốc gia còn lại. Tại Eurozone, vấn đề tăng giá năng lượng góp phần lớn nhất gây ra tình trạng lạm phát, với tỷ lệ 3,95%. Tiếp đó là các mặt hàng thực phẩm, rượu và thuốc lá (2,25%), dịch vụ (1,62%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (1,33%).

Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức dự báo trong năm nay tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức sẽ ở mức 8,1% và năm tới là 9,3%. Tăng trưởng kinh tế được dự báo chỉ đạt 1,6% trong năm nay và thậm chí giảm 0,3% trong năm tới. Nếu các nhà cung cấp năng lượng điều chỉnh giá điện và giá khí đốt của họ vào đầu năm tới, điều này thậm chí sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát lên khoảng 11% trong quý I/2023. Viện Ifo nhận định khả năng kinh tế Đức sẽ tăng trưởng bình thường trở lại vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng đạt 1,8% và lạm phát 2,5%.

ECB tăng cao kỷ lục lãi suất cơ bản

Các nhà kinh tế nhận định lạm phát ở Eurozone sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho rằng EU cần có chính sách tài khóa thận trọng và kiềm chế lạm phát.

Nhằm đối phó lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, mức tăng cao nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được đưa vào sử dụng 20 năm trước. Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ hai chỉ trong vài tuần qua. Cụ thể, ECB đã nâng mức lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên mức 1,25%, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới. Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel bày tỏ ủng hộ một đợt tăng lãi suất lớn trong tháng 9 này và cho biết có thể sẽ phải có thêm đợt tăng lãi suất trong những tháng tới nhằm đẩy lùi lạm phát.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách tới. Bà Lagarde nhận định rằng lãi suất hiện nay còn xa với mức cần thiết để đưa lạm phát về mức ổn định. Đồng thời, Chủ tịch ECB cho biết những quyết định của thể chế này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực, nhưng ưu tiên hiện nay của ngân hàng này vẫn là ổn định giá cả hàng hóa.

Phát biểu ý kiến tại một sự kiện ở trụ sở Ngân hàng trung ương Pháp, bà Lagarde cho biết, khi thiết lập chính sách tiền tệ, ECB đã phải tính đến tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, cũng như những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế của EU. Bà nhấn mạnh, các quyết sách của ECB đều phải bảo đảm tính bền vững trong chính sách tài khóa.