Văn phòng Tổng thống Ecuador ngày 1-3 thông báo bổ nhiệm bác sĩ Rodolfo Farfan (63 tuổi), từng là Thứ trưởng Y tế phụ trách vấn đề chăm sóc toàn diện trở thành Bộ trưởng Y tế nước này. Thông báo nêu rõ, ông Farfan là một bác sĩ giàu kinh nghiệm, đã có thời gian công tác trong ngành y tế và nhận được tín nhiệm cao. Ông đã nhận bằng TS Giáo dục từ Đại học Glasgow (Anh) năm 2020. Tổng thống Moreno cũng đăng thông báo trên trang Twitter cá nhân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo và quản lý sáng suốt của tân Bộ trưởng Farfan đối với chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Ecuador.
Ông Farfan nắm trọng trách mới trong bối cảnh người tiền nhiệm của ông đang bị Cơ quan công tố Ecuador điều tra vì nghi ngờ lạm dụng quyền lực trong quá trình triển khai tiêm chủng. Quốc hội nước này cũng đang xem xét mở một phiên tòa liên quan những bất thường trong chương trình thí điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 đối với cựu lãnh đạo ngành y tế này. Bộ Y tế Ecuador đặt mục tiêu sẽ tiêm phòng cho 60% dân số trên 18 tuổi tới hết năm nay. Tổng thống Moreno cho biết, ông bảo đảm được 20 triệu liều vaccine cho đất nước khoảng 17 triệu dân này. Từ nay tới tháng 5, quốc gia Nam Mỹ sẽ phân phối hai triệu liều vaccine ngừa Covid-19.
Trước đó, ngày 26-2, ông Zevallos đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Moreno. Nhiều ý kiến chỉ trích ông này đã không đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những nghi ngờ trong quá trình điều hành chương trình thử nghiệm tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 1-2021. Báo chí Ecuador nghi ngờ các quan chức của Bộ Y tế đã có dấu hiệu phân bổ vaccine mờ ám, khi mời quan chức của một trường đại học nhận vaccine Covid-19 trước các nhóm ưu tiên khác như nhân viên y tế hay người cao tuổi.
Ông Zevallos đã trở thành Bộ trưởng Y tế thứ ba từ chức sau các vụ bê bối tiếp cận vaccine tương tự ở khu vực Nam Mỹ. Hồi giữa tháng 2, Bộ trưởng Pilar Mazzetti của Peru đã phải từ chức sau khi có thông tin tiết lộ rằng một nhóm chính trị gia, bao gồm cả cựu tổng thống Martin Vizcarra, đã được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 này trước các nhóm ưu tiên khác. Ít lâu sau đó, vào ngày 20-2, Bộ trưởng Y tế Argentina, ông Gines Gonzalez Garcia cũng phải rời khỏi nhiệm sở khi một bài báo tiết lộ tên của ông nằm trong danh sách “nhóm VIP” được Bộ Y tế tiêm phòng ngoài chiến dịch tiêm chủng thông thường.
Các quan chức trên đều phủ nhận bất kỳ sự ưu tiên đặc biệt nào ngoài các nhóm được chính phủ công khai, tuy nhiên bê bối “vaccine VIP” đã khiến họ đều phải dừng bước trước làn sóng kêu gọi minh bạch quyền ưu tiên tiếp cận vaccine. Còn tại Ecuador, trong thư từ chức, ông Zevallos nêu rõ sự rút lui của ông nhằm duy trì ổn định cho bộ máy lãnh đạo hiện nay, đồng thời nhằm tạo thuận lợi để chính phủ tiếp tục chương trình tiêm chủng quốc gia. Việc ông quyết định rút khỏi chức vụ hiện tại cũng được xem là nỗ lực nhằm xoa dịu công chúng trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Moreno, dự kiến kết thúc vào tháng 5. Hiện, cuộc bầu cử Tổng thống Ecuador đang chuẩn bị cho vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 11-4 tới.
Theo thống kê chính thức, đến nay Ecuador đã ghi nhận hơn 281.000 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 11.000 trường hợp tử vong. Làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất khiến hệ thống y tế nước này hầu như quá tải. Bởi vậy, kế hoạch tiêm chủng đã được đông đảo dân chúng đón nhận và mong chờ. Cũng như hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng đang tiến hành phân bổ vaccine trên diện rộng, khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân mong muốn được tiêm phòng Covid-19 ở các nước Nam Mỹ gia tăng, đi cùng kỳ vọng vào sự minh bạch trong phân phối vaccine của chính phủ.