Không chỉ là gánh hàng
Trên con phố nhỏ, ngõ nhỏ ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những người bán hàng rong lam lũ, len lỏi ngược xuôi với đôi quanh gánh nặng trĩu, mang đầy thức quà vặt theo mùa. Những người bán hầu hết là người tỉnh khác hoặc ở ngoại thành vào phố mưu sinh. Họ có thể là những người mẹ tần tảo hoặc người cha phải gánh gồng kinh tế cho gia đình… Vì thế, gánh hàng rong tuy nhỏ nhưng đã phần nào giải quyết được nỗi lo cơm áo, gạo tiền cho rất nhiều người nghèo, người có thu nhập thấp, người lao động không bằng cấp, gặp khó khăn về công ăn việc làm. Ngoài ra, với kiểu giao dịch nhỏ lẻ, hàng rong cũng là đầu ra sản phẩm cho những người có vốn sản xuất nhỏ, hộ kinh tế gia đình chưa có khả năng mở rộng thị trường, thế nên việc tiếp cận trực tiếp mua-bán trong ngày sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển dịch vụ thương mại nông thôn.
Gần hai chục năm qua, chị Nguyễn Thị Huệ (quê Thường Tín) vẫn đều đặn chở trái cây từ quê nhà lên các con phố cổ ở Hà Nội để bán. Dù ngày nắng hay mưa, chị đều cố gắng mang hàng đi bán để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, bán hàng rong là hành vi vi phạm hành chính. Thế nên, khi lực lượng chức năng đến dẹp thì chị lại chạy vào trong các ngõ nhỏ đâu đó và chờ khi họ đi lại tiếp tục ra bán. “Đâu có ai muốn phải vất vả mưu sinh như thế này, nhưng nếu không bán hàng rong thì biết lấy gì nuôi con. Tôi nghe nói thành phố có hỗ trợ nơi bán nhưng chúng tôi vốn nhỏ, lãi ít và vẫn phải mất tiền thuê cửa hàng nên chưa chắc bán hàng sẽ dễ. Hơn nữa nhiều người giờ không còn sở thích đi chợ nữa, họ thích mua hàng ở trước cửa nhà hơn”, chị nói.
Cùng chung suy nghĩ như chị Huệ, bà Hoa, bán hàng rong tại khu vực phố cổ Hà Nội chấp nhận cảnh rong ruổi trên các tuyến phố, ngõ nhỏ để bán hàng. Khi có khách đi đường gọi mua, bà ngồi tạm trên vỉa hè cân đo tính toán, giao hàng cho khách trong phút chốc rồi lại lên đường đi nơi khác. Cứ như vậy, nhẩm tính sơ sơ trên các tuyến phố như Hàng Bông, Tạ Hiện, Hàng Ngang, Hàng Đào… thường xuyên có hàng chục gánh hàng rong hoạt động như thế.
Quy hoạch thế nào?
Trong ký ức của nhiều người, những gánh hàng rong hay những chiếc xe đạp chở đầy hoa trái len lỏi khắp phố phường luôn thân thuộc, bình dị, khiến tâm trạng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, các hình thức bán hàng rong đã tạo ra nhiều bất cập, ảnh hưởng môi trường cũng như mỹ quan đô thị, gây ra những hệ lụy buồn khi cản trở giao thông, lòng đường bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội không bảo đảm. Vấn đề đáng bàn là ngoài những hình ảnh nhếch nhác, một số người bán rong thi thoảng còn chặt chém, chèo kéo du khách ở các điểm du lịch, làm méo mó hình ảnh văn minh vốn có của đô thị.
Việc xử lý bất cập của các gánh hàng rong như thế nào là câu hỏi khó đặt ra từ bao năm qua nhưng chưa có câu trả lời khi phần lớn những người bán đều có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, tại một số quận trên địa bàn Hà Nội, việc quy tụ hàng rong về các chợ đã được thực hiện, nhưng vẫn gặp những khó khăn. Thí dụ như UBND quận Thanh Xuân đã dành hơn 100m2 ở chợ Thanh Xuân Bắc cho những người bán hàng rong có nhu cầu kinh doanh tại đây. Tuy nhiên, thực tế người bán hàng rong không có thói quen ngồi cố định một chỗ, họ vẫn tái lấn chiếm vỉa hè, và “né” vào chợ bán hàng. Ở một số nơi khác thì không còn quỹ đất để xây chợ theo kế hoạch. Các chợ dân sinh cũng không còn chỗ trống để bố trí cho hàng rong vào chợ bán hàng. Vì vậy, lực lượng chức năng địa phương chỉ còn mỗi một cách để dẹp hàng rong, đó là nhắc nhở, yêu cầu di chuyển khỏi khu vực.
Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, việc xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, văn hiến là nhiệm vụ trọng tâm đã được đặt ra từ lâu. Trong quá trình xây dựng và phát triển, làm thế nào để hài hòa lợi ích, tạo công ăn việc làm cho người nghèo sống nơi đô thị là vấn đề cần được quan tâm. Bởi trong một thành phố sầm uất với các tòa nhà cao tầng lung linh, hiện đại, ở đó vẫn còn có những gánh hàng lặng lẽ mưu sinh.
Hiện nay trên nhiều tuyến phố Hà Nội đã dựng biển “Cấm bán hàng rong tại khu vực này”, song có thể thấy tình trạng mua bán vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng sau một thời gian thực hiện nghiêm chỉnh, quy định này đã bắt đầu bị buông lỏng, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương cũng đã giảm bớt đi sự quyết liệt trong việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các vi phạm.