Duy trì ổn định tuyển sinh đại học

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024 được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn khẳng định: “Năm 2024, công tác tuyển sinh tiếp tục duy trì sự ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”.
0:00 / 0:00
0:00
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Nhiều trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu

Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã điểm lại những việc làm được trong 9 năm đổi mới tuyển sinh, từ năm 2015 đến nay. Theo đó, trong giai đoạn này, công tác tuyển sinh ngày càng ổn định và tốt hơn, thể hiện qua bốn điểm chính:

Thứ nhất, kết quả tuyển sinh tăng trưởng ổn định và bền vững, thể hiện bằng kết quả tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo. Kết quả này được nhìn nhận bằng số lượng tuyển sinh được, tỷ lệ nhập học của thí sinh. Sự tăng trưởng này cũng phản ánh được chất lượng của giáo dục đại học; phần nào cho thấy xã hội, người dân tin tưởng vào chất lượng đại học, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu của thị trường nhân lực ngày càng tăng.

Thứ hai, công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi và hiệu quả. Trong 9 năm qua, công tác này có nhiều sự điều chỉnh qua các năm, có năm điều chỉnh lớn, có năm điều chỉnh ở mức độ nhỏ. Những điều chỉnh này mang lại sự hiệu quả, thuận lợi hơn cho thí sinh, cơ sở đào tạo và công tác quản lý nhà nước.

Thứ ba, việc tuyển sinh ngày càng công khai và minh bạch. Mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đề án, phương thức của nhà trường đều phải công khai, minh bạch với xã hội, người học qua các hệ thống, phần mềm…

Thứ tư, công tác tuyển sinh cũng cho thấy tinh thần hợp tác. Đó là sự hợp tác của các trường trong các khâu tuyển sinh như lọc ảo, xét tuyển chung…

Ngoài sự hợp tác còn là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo. Các trường tuyển sinh mạnh, thu hút được nhiều người học. Trong khi đó, các trường tuyển sinh kém sẽ phải điều chỉnh, cải tiến để tốt hơn.

Bên cạnh những mặt làm được, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác tuyển sinh giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Một là, dù ngày càng có nhiều cơ hội xét tuyển vào đại học nhưng thí sinh hiện nay cũng đối diện với những khó khăn trong việc chọn ngành, chọn trường, ghi nhớ các phương thức tuyển sinh, thời hạn đăng ký xét tuyển. Do đó, Thứ trưởng lưu ý, việc đa dạng trong phương thức tuyển sinh là tốt nhưng cần thống nhất để tạo thuận lợi cho thí sinh. Hai là, mặc dù công khai, minh bạch tuyển sinh, song hiện tại chưa có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Do đó, các trường cần phải phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh, giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh. Thứ ba, vẫn còn một số trường hợp chưa nghiêm túc trong việc thực hiện quy chế tuyển sinh, phổ biến nhất là tuyển vượt chỉ tiêu. Thứ trưởng lưu ý, nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu ở mức độ lớn chứ không dừng lại ở một vài phần trăm. Nếu tiếp tục xảy ra hiện tượng này, các trường không thể giữ được niềm tin, sự tin tưởng của xã hội và người học.

Duy trì ổn định tuyển sinh đại học ảnh 1

Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Trường đại học Phenikaa.

Tăng cường truyền thông, tư vấn

Từ những phân tích trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt mục tiêu: “Năm 2024, công tác tuyển sinh tiếp tục duy trì sự ổn định, phát huy kết quả đạt được để làm đúng hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn”.

Thứ trưởng giao Vụ Giáo dục đại học hoàn thiện Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024; các trường cũng đưa ra các kế hoạch tuyển sinh.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện phần mềm, cơ sở dữ liệu tuyển sinh, nhất là kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi những năm trước.

Công tác truyền thông, tư vấn cho thí sinh cũng cần được tăng cường để giúp các em chọn đúng ngành, nghề, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường.

Mới đây, tại chương trình tọa đàm: “Những chiến thuật tạo lợi thế trong tuyển sinh năm 2024”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh một số điểm quan trọng khi xét tuyển đại học năm 2024. Theo đó, giống như năm trước, năm nay toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm thí sinh cần lưu ý.

Thí sinh có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối internet. Các em không bỏ lỡ những cột mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này.

Một điểm nữa thí sinh cần lưu ý là, việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Theo đó, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và không được bỏ lỡ thời hạn xét tuyển. “Dù được các em thông báo trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, nhưng nên nhớ, đó chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi các em chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa thể trúng tuyển chính thức”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của thí sinh, dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, đều phải đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống).

Một chiến thuật mà thí sinh cần lưu tâm, là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Chẳng hạn, các em đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học và đó là ngành học yêu thích nhất. Nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1 trên Hệ thống thì chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển vào ngành học đó.

Nếu các cơ sở giáo dục đại học có thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh thì các trường sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên toàn hệ thống sẽ giữ ổn định, với nguyên tắc bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh. Phần vất vả sẽ thuộc về các thầy, cô ở trường, Bộ GD&ĐT, còn thí sinh sẽ được bảo đảm quyền lợi tốt nhất.

Với thí sinh tham gia xét tuyển sớm, để bảo đảm tốt nhất các quyền lợi cho các em, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy nhắc lại, dự kiến quy chế tuyển sinh năm nay giữ ổn định như hai năm trước. Vì thế, những điểm liên quan đến xét tuyển sớm cũng giữ nguyên như hai năm vừa qua.

Theo đó, nguyên tắc quan trọng là: thí sinh trúng tuyển bằng xét tuyển sớm sẽ không phải xác nhận nhập học ngay. Nghĩa là, về quyền lợi, các em vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác ở những phương thức khác, thay vì bắt buộc phải xác nhận nhập học ngay.

Việc nhập học hay không sẽ tùy thuộc vào Hệ thống xác định thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào. Các nguyện vọng có thể bao gồm: xét tuyển sớm, các phương thức truyền thống với cơ sở dữ liệu được nhập một cách đồng bộ lên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Một trong những ưu điểm giúp tăng cơ hội cho thí sinh là: khi đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống, các em không cần lựa chọn phương thức, mà chỉ cần lựa chọn ngành, trường học mà mình mong muốn được theo học.

Hệ thống sẽ tự động rà soát tất cả dữ liệu đang có để xem xét. Lúc này, nếu thí sinh trúng tuyển bằng bất kỳ phương thức nào trong số dữ liệu có trên Hệ thống thì các em sẽ được xác nhận trúng tuyển. Đó là nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể dành cho các em. “Điều này khẳng định ưu việt khi chúng ta tham gia vào hệ thống xét tuyển. Rõ ràng nguyện vọng của các em có thể rất nhiều, nhưng các em phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn.

Liên quan đến việc các trường đại học đưa chứng chỉ ngoại ngữ trở thành một trong các tiêu chí tuyển sinh, Vụ trưởng Giáo dục đại học nhìn nhận, thay vì là tiêu chí duy nhất để xét tuyển, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong những tiêu chí để kết hợp với những kết quả quan trọng khác của thí sinh như: kết quả học tập THPT hay điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ưu thế của các chứng chỉ này thường dành cho các chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến, chương trình sinh viên tài năng, kỹ sư tài năng hoặc chương trình liên kết với các đối tác nước ngoài. Ở những chương trình này, việc đào tạo bằng ngôn ngữ nước ngoài là trọng yếu, do đó chứng chỉ ngoại ngữ là công cụ cần thiết để sinh viên có thể theo học.