Trước đây, dưới thời các triều Lý, Trần, Lê, tục dựng cây nêu thường được tổ chức vào ngày 23 hoặc 25 tháng Chạp. Cây nêu được dựng trước cổng Đoan Môn thường do nhà vua làm chủ lễ hoặc phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ. Cây nêu được dùng là loại tre đực, cao, to, được chặt sạch các cành chỉ để lại trên ngọn có nhánh lá. Trước khi dựng nêu phải lập đàn tế trời đất, sau phần lục cúng, ngũ bái dâng lễ vật mới tiến hành động thổ dựng nêu. Trên ngọn cây treo một lá phướn dài, cùng những chiếc khánh đất, chuông gió để những vật đó va đập nhau kêu leng keng trong gió với ý nghĩa để trừ ma quỷ, mong ước một mùa xuân tươi vui, cả năm an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Phong tục tốt đẹp này mới được khôi phục mấy năm gần đây và được coi là một biểu tượng văn hóa truyền thống của đất Hà thành trong những ngày Tết Nguyên đán.
Đoàn rước lễ đến địa điểm dựng cây nêu.
Đội hành lễ mặc trang phục cung đình xưa.
Treo khánh đất cầu mong những điều may mắn cho năm mới.
Cây nêu làm từ thân tre đực dài gần 6 m, được cắt tỉa cành chỉ chừa phần ngọn.