Theo Reuters, trong cuộc điều tra của Viện Công tố thành phố Munich, lực lượng chức năng bao gồm 170 người đã tiến hành lục soát 15 căn hộ và các địa điểm kinh doanh tại bảy bang gồm Hessen, Hamburg, Sachsen-Anhalt, Sachsen, Bayern, Berlin và Schleswig-Holstein. Giới chức Đức cho biết, các cuộc đột kích có liên quan một loạt cáo buộc chống lại các “nhà hoạt động” của nhóm “Thế hệ cuối cùng” kể từ giữa năm ngoái, trong đó bao gồm bảy đối tượng từ 22-38 tuổi. Những người này bị tình nghi thành lập hoặc tài trợ tài chính cho một tổ chức tội phạm.
Cụ thể, những đối tượng này được cho là kêu gọi gây quỹ ủng hộ các hoạt động tội phạm nhân danh tổ chức “Thế hệ cuối cùng”. Các dự án kêu gọi gây quỹ nói trên đã giúp các đối tượng thu được ít nhất 1,4 triệu euro (1,54 triệu USD) tiền tài trợ nhằm phục vụ các mục đích phạm tội khác. Không chỉ vậy, một số đối tượng thuộc nhóm này bị tình nghi hồi tháng 5/2022 đã phá hoại đường ống dẫn dầu nối thành phố Ingolstadt của Bavaria với cảng Trieste của Italy, vốn được xem thuộc hệ thống hạ tầng trọng yếu của Đức. Tuy không có lệnh bắt giữ nào được đưa ra, song lực lượng chức năng đã tịch thu hai tài khoản và phong tỏa một số tài sản. Cảnh sát cho biết, trang chủ trên internet của “Thế hệ cuối cùng” ở Đức cũng đã bị đóng cửa theo chỉ thị của Văn phòng Công tố.
Theo DW, “Thế hệ cuối cùng” là một tổ chức hoạt động nhân danh mục đích chống biến đổi khí hậu. Nhóm này thường xuyên quảng cáo các buổi đào tạo cho những người sẽ trở thành “các nhà hoạt động khí hậu”, bằng cách tuần hành phản đối các chính sách gây biến đổi khí hậu và các hoạt động tương tự khác. Trong thời gian qua, tổ chức này đã tiến hành hàng loạt hoạt động quy mô lớn trên cả nước Đức bằng cách dùng keo dính chặt tay. Hàng chục người tuần hành phản đối theo hình thức này đã bị đưa ra xét xử trong những tuần gần đây. Hầu hết bị phạt tiền, song một số tòa án đã bắt đầu tuyên án tù cho các hành vi của nhóm này.
“Thế hệ cuối cùng” cũng đã nhiều lần tuần hành, tổ chức ngăn chặn giao thông ở Thủ đô Berlin và các thành phố khác vào giờ cao điểm trong chiến dịch của họ nhằm thúc đẩy hành động quyết liệt hơn để chống lại sự nóng lên toàn cầu. Tổ chức “Thế hệ cuối cùng” đang yêu cầu Chính phủ Đức xây dựng kế hoạch đáp ứng mục tiêu quốc tế nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so thời kỳ tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, không ít chính trị gia Đức gọi các đối tượng quá khích của lực lượng này là những phần tử “khủng bố khí hậu”. Nhiều cuộc điều tra gần đây cũng đang khẳng định các cáo buộc một số nhà hoạt động của tổ chức “Thế hệ cuối cùng” đã thành lập và hỗ trợ tài chính cho một tổ chức tội phạm. Do đó, giới chức của Đức nhấn mạnh rằng, các cuộc đột kích vừa qua là cần thiết. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết: “Các cuộc tuần hành của một số nhà hoạt động của nhóm này đã xâm phạm vào quyền lợi của người dân. Cảnh sát đã ký 1.600 đơn khiếu nại hình sự liên quan cuộc biểu tình về khí hậu vào năm 2022, nhiều trong số đó liên quan hành động ngăn chặn, cản trở giao thông do tổ chức “Thế hệ cuối cùng” thực hiện”.
Lãnh đạo Công đoàn Cảnh sát Đức Rainer Wendt hoan nghênh các cuộc đột kích của cảnh sát. Ông Wendt nhấn mạnh: “Người dân đã phải chịu đựng hàng nghìn lần mỗi ngày sự “khủng bố” trên đường phố của những kẻ tự xưng là cứu tinh của khí hậu này”.
Trong khi đó, mặc dù tổ chức “Thế hệ cuối cùng” thừa nhận các cuộc tuần hành của họ là khiêu khích, gây rối song nhóm này cho rằng, chỉ bằng cách này, họ mới có thể khuyến khích tranh luận về biến đổi khí hậu trong xã hội.