Nỗ lực đẩy lùi tình trạng di cư bất hợp pháp
Để ứng phó sự gia tăng đột biến số đơn xin tị nạn lần đầu, từ năm 2023 Đức đã áp đặt một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn tại biên giới nước này với Ba Lan, CH Czech và Thụy Sĩ. Biên giới giữa Đức với Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch cũng sẽ được kiểm soát. Ngoài việc mở rộng kiểm soát, Đức cũng sẽ có động thái tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đưa những người di cư bất hợp pháp trở lại biên giới.
Việc kiểm soát cố định và di động ban đầu được lên kế hoạch trong 6 tháng cho đến giữa tháng 3/2025, nhưng không áp dụng với biên giới các nước theo Hiệp ước Schengen. Cụ thể, một quốc gia thành viên chỉ có thể siết chặt kiểm soát biên giới trong“hoàn cảnh đặc biệt” và chỉ tiến hành tạm thời như là phương sách cuối cùng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser vẫn bảo vệ biện pháp này trước những lời chỉ trích. Bộ Nội vụ Đức tuyên bố sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp kiểm soát tạm thời tại tất cả các cửa khẩu biên giới trên bộ của nước này. Bà Nancy Faeser khẳng định, các biện pháp đang được triển khai nhằm đẩy lùi tình trạng di cư bất hợp pháp và bảo vệ an ninh trong nước, những vấn đề đang được cử tri đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Faeser nhấn mạnh, nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới kể từ tháng 10/2023, hơn 30.000 người đã bị chặn lại tại biên giới Đức, qua đó góp phần làm giảm hơn một phần năm số người xin tị nạn so năm ngoái.
Các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở cấp quốc gia được cho là cần thiết cho đến khi triển khai hệ thống tị nạn mới của châu Âu. Bộ trưởng Faeser lập luận rằng, các quy định mới về tị nạn của EU là một bước quyết định, theo đó biên giới bên ngoài của EU sẽ được bảo vệ toàn diện và trách nhiệm đối với người tị nạn ở châu Âu sẽ được phân bổ công bằng hơn.
Thiếu nhân lực phục vụ chiến dịch
Chủ tịch Công đoàn Cảnh sát Liên bang, ông Andreas Roßkopf cho biết, cảnh sát liên bang đang nỗ lực tập hợp lực lượng để khởi động chiến dịch. Ông bày tỏ lo ngại tình trạng thiếu nhân lực trong thời gian dài vì chiến dịch sẽ kéo dài ít nhất 6 tháng, trong khi hiện tại tỷ lệ nhân viên cảnh sát trẻ xin thôi việc đã lên tới hơn 25%.
Ông Rolf Mützenich, lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội (SPD), cũng cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với Rheinische Post rằng, kế hoạch bổ sung thêm 1.000 cảnh sát cho chiến dịch này sẽ không đủ và cần được bàn thảo kỹ lưỡng hơn trong các cuộc thảo luận về ngân sách tới đây.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc hạn chế số lượng người di cư và trấn áp những phần tử cực đoan sau hàng loạt vụ tấn công mà các nghi phạm bị cáo buộc có liên hệ các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Bộ Nội vụ Đức tuyên bố sẽ sớm nối lại việc trục xuất người nhập cư và xin tị nạn về Syria và Afghanistan như một phần trong gói các biện pháp nhằm siết chặt an ninh và chính sách tị nạn.
Trong động thái mới nhất, Chính phủ Đức đã đóng cửa một trung tâm Hồi giáo ở bang Brandenburg sau khi cảnh sát khám xét trung tâm này và căn hộ của các thành viên do nghi ngờ có liên quan tổ chức Anh em Hồi giáo (MB). Đức cáo buộc trung tâm này thực hiện những hoạt động đi ngược lại giá trị xã hội của Đức và truyền bá tư tưởng bài Do Thái.
Kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza hồi tháng 10 năm ngoái, Đức luôn cảnh giác cao độ trước nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Đức cho biết, nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công như vậy là có thật và cao hơn trước đây.