Đưa nông thôn mới về đích sớm

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhiều tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm đưa kế hoạch này về đích sớm. Thực tế, các địa phương này đã, đang cho thấy những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện bài bản.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiều quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn nông thôn mới.

Xuất hiện ngày càng nhiều NTM kiểu mẫu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, thành phố chuyển sang giai đoạn nâng chất và xây dựng NTM gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn. Với mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh sẽ về đích NTM năm 2025, Sở NN&PTNT thành phố đã tham mưu UBND thành phố có Công văn gửi Bộ NN&PTNT đăng ký hoàn thành nhiệm vụ NTM theo quy định của Trung ương giai đoạn 2021-2025 vào năm 2025.

Bên cạnh đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được Thành phố Hồ Chí Minh xác định là 1 trong 6 chuyên đề trọng tâm trong xây dựng NTM. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 66 sản phẩm OCOP (36 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao). Thành phố cũng đã đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm bột rau má có đường của Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi) đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Còn tại tỉnh Bình Dương, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, huyện Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, thành phố Tân Uyên đạt chuẩn và hoàn thành NTM. Trong số này, 100% xã đạt chuẩn NTM, 70% đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh hiện có 103 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó, có 93 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao. Việc xây dựng và thực hiện OCOP giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

Tại Đồng Nai, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 96/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 80% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; có 21/120 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 70% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, tỉnh đang phấn đấu có 2 huyện đạt huyện NTM nâng cao vào năm 2023, có 1 huyện đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2025.

“Tỉnh Đồng Nai luôn xác định các xã, huyện phải song song thực hiện 2 nhiệm vụ: Vừa duy trì kết quả đạt chuẩn, vừa thực hiện NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đây cũng là lý do Đồng Nai luôn giữ vững vị trí ngọn cờ đầu trong xây dựng NTM với nhiều xã NTM nâng cao, kiểu mẫu hơn các tỉnh, thành khác”, ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Thực tế, năm 2023, tỉnh Đồng Nai áp dụng Bộ tiêu chí về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đặt ra là có thêm ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 2 huyện hoàn thành huyện NTM nâng cao… So với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 thì Bộ tiêu chí của Đồng Nai có số tiêu chí, yêu cầu của chỉ tiêu cao hơn. Đây vừa là mục tiêu phấn đấu nhưng cũng vừa tạo ra thách thức lớn, đòi hỏi cao đối với các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Mô hình xã NTM thông minh, thương mại điện tử

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh, với chương trình NTM, từ nay đến cuối năm 2023, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu và bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (thành phố, huyện, xã) theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 ngay khi được UBND thành phố phê duyệt.

Song song đó, Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh đang tham mưu xây dựng, hoàn chỉnh Đề án thí điểm mô hình xã NTM thông minh tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) giai đoạn 2023 - 2025 và Đề án thí điểm mô hình xã NTM thương mại điện tử tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ) giai đoạn 2023 - 2025.

Sở NN&PTNT Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp cùng UBND các huyện và sở, ban, ngành trong đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng NTM, đáp ứng yêu cầu xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu cũng như yêu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh và cải thiện điều kiện dân sinh trên địa bàn vùng nông thôn thành phố. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia chương trình nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Tại tỉnh Bình Dương, Sở NN&PTNT tỉnh cho hay, đến nay, trên địa bàn có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn này. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường... Chính quyền cấp xã cũng được giao chỉ tiêu đưa dịch vụ công lên nền tảng trực tuyến. Mạng internet không dây được lắp miễn phí tại các trung tâm xã, điểm sinh hoạt văn hóa...

Đặc biệt, kế hoạch về xây dựng NTM thông minh đến năm 2025 cũng đã được UBND tỉnh Bình Dương thông qua. Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm. Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP, địa phương xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến, thực tế ảo để xúc tiến thương mại, khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến…

Về phía tỉnh Đồng Nai, theo UBND tỉnh, năm 2023, tỉnh sẽ áp dụng bộ Tiêu chí về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, với 19 tiêu chí và 60 chỉ tiêu, tăng 7 chỉ tiêu so với giai đoạn trước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nêu rõ, để thực hiện thành công những tiêu chí mới này, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai dự kiến bố trí hơn 27.000 tỷ đồng từ ngân sách và huy động khoảng 127.000 tỷ đồng vốn từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Mục tiêu là trong năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 huyện NTM nâng cao.