Du lịch Việt Nam phục hồi ấn tượng

Chỉ tính riêng doanh thu, du lịch lữ hành có mức tăng trưởng tốt nhất, lên tới 47,7%. Là một trong ba “điểm sáng” tăng trưởng của chín tháng đầu năm 2023, du lịch đang được kỳ vọng sẽ có sự tăng tốc mạnh mẽ hơn vào cuối năm, đóng góp một phần tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm nay.
Nhiều địa phương đã đạt mục tiêu tăng trưởng ngành du lịch của năm 2023. Ảnh: BẮC SƠN
Nhiều địa phương đã đạt mục tiêu tăng trưởng ngành du lịch của năm 2023. Ảnh: BẮC SƠN

Về đích sớm, ngành du lịch tự tin điều chỉnh mục tiêu

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại - dịch vụ đang có sự phục hồi tích cực. Chín tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,57 triệu tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%).

Trong đó, vận chuyển hành khách tăng 13,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 26.500 tỷ đồng, tăng 47,7% so với chín tháng đầu năm 2022; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022, vượt kế hoạch 8 triệu khách quốc tế của cả năm 2023.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 diễn ra chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, khu vực dịch vụ và bán lẻ tăng 9,7% là một trong ba “điểm sáng” của nền kinh tế chín tháng đầu năm; trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng trưởng tốt nhất lên tới 47,7%. (Hai điểm sáng còn lại là: GDP quý sau cao hơn quý trước và đầu tư công chín tháng đầu năm lần đầu vượt mốc 50% kế hoạch - đạt 51,38% kế hoạch).

Báo cáo của một số địa phương cũng cho thấy, đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương đã “về đích” sớm với kế hoạch mục tiêu tăng trưởng ngành du lịch của cả năm. Theo đó, doanh thu du lịch lữ hành chín tháng đầu năm nay tại Đà Nẵng tăng tới 139,9%; Quảng Ninh tăng 98,8%; TP Hồ Chí Minh tăng 91,3%; Hà Nội tăng 66,9%; Hải Phòng tăng 50,9%; Cần Thơ tăng 39,6%...

Trước đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách quốc tế đến Thủ đô trong năm 2023 nhưng sau ba phần tư chặng đường đã đạt 3,2 triệu lượt khách. Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh Bình Thuận đã đón hơn 6,984 triệu lượt khách (tăng 75% so cùng kỳ năm 2022), đạt xấp xỉ 104% kế hoạch năm 2023; trong đó, khách quốc tế có hơn 200.000 lượt, tăng gần 4 lần so cùng kỳ năm trước…

Tương tự, Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, trong chín tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt gần 3,67 triệu lượt khách - gấp 2,32 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó khách nội địa đạt 3,57 triệu lượt khách, gấp 2,29 lần, khách quốc tế đạt 89.382 lượt khách, gấp 4,07 lần; vượt gần 5% so với kế hoạch cả năm.

Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch chín tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức sáng 29/9, Thứ trưởng VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có thể “yên tâm” với các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2023.

Sở dĩ du lịch phục hồi tích cực là do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, kết quả này cũng phản ánh sự chuyển biến tích cực của những chính sách thúc đẩy phục hồi du lịch thời gian qua, trong đó có việc tháo gỡ những điểm nghẽn về xuất, nhập cảnh đối với khách quốc tế và nhóm giải pháp trong Nghị quyết 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Từ kết quả này, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, trong những tháng còn lại của năm 2023, mỗi tháng ít nhất có thể đón 1,1 đến 1,2 triệu lượt khách quốc tế; nhất là trong tháng 12, vào dịp Giáng sinh và năm mới. “Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ trưởng, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ để thay đổi chỉ tiêu đón khách quốc tế từ 8 triệu lên 12,5 - 13 triệu lượt khách năm 2023, tăng khoảng 156% so với kế hoạch ban đầu”.

Du lịch Việt Nam phục hồi ấn tượng ảnh 1

Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022. Ảnh: NAM NGUYỄN

Mục tiêu khả thi nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực

Trao đổi ý kiến với phóng viên, lãnh đạo một số công ty du lịch tỏ ra lạc quan về mục tiêu 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay. Các ý kiến đều cho rằng, với 8,9 triệu lượt khách quốc tế đã đến trong chín tháng đầu năm, việc có thêm khoảng 4 triệu khách vào quý cao điểm cuối năm là có thể đạt được.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, với điều kiện thu hút khách du lịch của Việt Nam hiện nay (vĩ mô ổn định, không có biến động lớn, đi lại thuận tiện, chính sách visa thông thoáng,...) cộng với việc khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng tốc (hiện dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Việt Nam), thị trường Trung Quốc dự báo sẽ mở lại và hồi phục từ năm 2024, nhiều khả năng năm 2024 du lịch Việt Nam có thể đạt 18 triệu khách quốc tế, bằng với mức trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chí, chuyên gia du lịch, lại có đánh giá thận trọng hơn. Trao đổi ý kiến với báo chí mới đây, ông Chí cho rằng, con số khoảng 12,5 triệu khách quốc tế là có thể đạt được trong năm nay, tuy nhiên còn phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ hành động thế nào để đạt được con số đó.

Vị chuyên gia phân tích, trong tốp 10 thị trường khách du lịch quốc tế từ đầu năm, Hàn Quốc, Ấn Độ và Campuchia có sự tăng trưởng tốt với đơn vị bằng lần. Tuy nhiên, tốp 10 này không bao gồm một số quốc gia Tây Âu như Pháp, Italy, Anh, Đức, Tây Ban Nha…; lượng khách từ các nước này chưa hồi phục hoàn toàn mặc dù đã được miễn thị thực nhiều năm qua và từ ngày 15/8/2023 được gia hạn lưu trú lên đến 45 ngày.

Bên cạnh đó, thị trường khách lớn nhất thế giới là Trung Quốc vốn chiếm hơn một phần ba tổng lượng khách đến Việt Nam năm 2019 (đạt 5,8 triệu lượt), đến nay mới phục hồi được hơn 1 triệu khách, tỷ lệ hồi phục là 28%. Trong khi đó, nhờ chính sách miễn visa trong vòng năm tháng cho khách Trung Quốc, từ cuối tháng 9 đến tháng 2/2024 cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác, lượng khách Trung Quốc đến Thailand vừa tăng đột biến. Nước này dự kiến đón khoảng 2,9 triệu khách Trung Quốc trong năm tháng tới với khoảng 3,8 tỷ USD lợi nhuận.

Từ đó, ông Chí cho rằng, cần tìm ra các “điểm nghẽn” để biết tại sao các thị trường lớn trước dịch không hồi phục hoặc hồi phục không như kỳ vọng, tránh thụ động để mất thị trường vào tay Thailand.

Theo Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu, hoạt động du lịch vẫn chưa phục hồi một cách toàn diện, ngay cả ở các trung tâm du lịch lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan (tổng cầu suy yếu, khách du lịch đã thay đổi xu hướng du lịch, xung đột Nga - Ukraine…) và chủ quan là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương vẫn còn hạn chế.

Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia cho biết, trong ba tháng cuối năm, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 82 của Chính phủ, đi sâu vào các giải pháp để thu hút khách quốc tế. Cục Du lịch quốc gia cũng sẽ tham mưu để tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trở ngại trong xúc tiến, quảng bá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt là ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long…