Du lịch không rác thải nhựa

Tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân, bình xà-phòng rửa tay tái chế mang theo từ nhà, hạn chế sử dụng chai nhựa, hạn chế thấp nhất việc phát sinh thêm hộp nhựa hoặc túi nylon… du lịch không rác thải nhựa đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Nhiều người coi đó là một thử thách thú vị và quyết tâm trải nghiệm loại hình du lịch có trách nhiệm này.

Đi bộ trong rừng Phú Quốc mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ.
Đi bộ trong rừng Phú Quốc mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ.

Trong valy đồ đạc cá nhân chuẩn bị cho kỳ nghỉ ba ngày ở Quảng Bình của Nguyễn Hoàng Ly (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) là bình nước cá nhân, túi đựng rác tái sử dụng. Sữa tắm, dầu gội đầu, kem đánh răng, đồ vệ sinh cá nhân… được Ly xếp gọn gàng trong túi nhỏ để hạn chế dùng đồ trong khách sạn. Trong valy đồ còn có bát, đĩa được làm từ bã mía và ống hút tre. Ly tự đặt thử thách cho mình tự thực hiện một chuyến du lịch hạn chế thấp nhất “dấu chân carbon”. Chỉ lựa chọn những phương tiện, vật dụng thân thiện với môi trường như dùng thuyền chèo tay thay xuồng máy, đạp xe, ăn nhà hàng, hạn chế việc sử dụng hộp nhựa, túi nylon… Ly dự định sẽ ghi lại các hoạt động trong chuyến đi, chia sẻ lên mạng, quyết tâm thực hiện tour du lịch xanh của mình. 

“Trải nghiệm du lịch có trách nhiệm thú vị hơn nhiều so với cách thông thường”, chị Phạm Thị Hương (35 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ. Vừa trải qua chuyến du lịch một tuần ở Phú Quốc, chị Hương khá hài lòng dù mục tiêu du lịch hạn chế rác thải nhựa của mình chỉ đạt 90%. Trong khách sạn chỉ sử dụng đồ cá nhân, mang theo túi nylon tái sử dụng để đựng đồ bơi, đồ ướt và luôn sử dụng bình nước cá nhân, chị chọn đi bộ hoặc đạp xe, trekking trong rừng thay vì vào các khu vui chơi giải trí. Tour du lịch vẫn thú vị, đầy tính trải nghiệm và cảm nhận văn hóa địa phương mà vẫn bảo vệ môi trường, góp phần giảm rác thải nhựa. Theo chị Hương, điều kiện từ các nhà cung cấp tại điểm du lịch còn hạn chế nên chưa thể thực hành du lịch có trách nhiệm 100%. Dù vậy, cá nhân chị cũng thấy vui khi hoàn thành mục tiêu của chuyến đi, chứng minh được rằng một chuyến du lịch không rác thải nhựa hoàn toàn khả thi, kể cả khi các nhà cung cấp thiếu các dịch vụ hỗ trợ tốt. 

Trở ngại lớn nhất khi thực hiện tour du lịch xanh là hạn chế từ các nhà cung cấp dịch vụ. Dịch vụ lưu trú hoặc ăn uống hạn chế rác thải nhựa hoặc là rất đắt, hoặc rất ít ỏi. Hầu hết các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ vẫn sử dụng chai nhựa đựng nước. Chỗ ăn uống vẫn dùng túi nylon, hộp xốp đựng đồ mang về. Dù đã có rất nhiều lễ ra quân, chiến dịch dọn dẹp rác thải nhựa với những thông điệp như “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”; những tuần lễ giảm nhựa; “Ngày hội Đổi rác lấy quà”… ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Nam Định, Phú Quốc nhưng những chai nhựa, túi nylon, hộp xốp, phao bơi… vẫn bị vô tư ném ra môi trường. Rác nhựa vẫn đầy trên bãi biển ở các khu du lịch, đặc biệt sau các kỳ nghỉ lễ.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển. Chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Hơn nữa, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Phần lớn người dân còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm tới hiện trạng đáng báo động này.

Đã có những cam kết mạnh mẽ từ các địa phương đối với rác thải nhựa. Mới đây, Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) khởi động chuỗi hoạt động giảm rác nhựa trong du lịch, ghi tên mình trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào Chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Theo đó, Côn Đảo phấn đấu trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường vào năm 2025. Bên cạnh các chiến dịch dọn sạch rác nhựa, tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nylon, mỗi khách du lịch đến Côn Đảo được phát Sổ tay hạn chế sử dụng rác thải nhựa, hướng dẫn chi tiết cách hạn chế sử dụng rác thải nhựa trong mỗi chuyến du lịch. Các đơn vị trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch như cơ sở lưu trú, tàu, xe, điểm mua sắm, nhà hàng đều được khuyến khích sử dụng túi, chai bằng chất liệu tái chế, hoặc ngừng phát túi nylon miễn phí, khuyến khích du khách sử dụng túi cá nhân mang theo. 

Đô thị giảm nhựa là một sáng kiến của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm kết nối các thành phố và các điểm đến du lịch cùng hành động chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua chương trình, WWF nâng cao năng lực cho các địa phương nhằm đạt được mục tiêu không rác nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chương trình mong muốn tạo ra mạng lưới kết nối 25 đô thị không rác thải nhựa tại Đông Nam Á vào năm 2025; tạo bước đệm để đạt được con số 1.000 đô thị không rác thải nhựa trên toàn thế giới vào năm 2030. Chín địa phương tham gia vào Chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF bao gồm Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), TP Phú Quốc và TP Rạch Giá (Kiên Giang); TP Đà Nẵng; TP Tuy Hòa (Phú Yên); TP Tân An (Long An); TP Huế, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).