Hứng khởi đón cơ hội mới
Sau khi đón khách trở lại từ dịp Tết Nguyên đán, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, lũy kế ba tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón khoảng 940.640 lượt khách, giảm 9,32% so cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, vào ngày cuối tuần và các dịp nghỉ lễ, lượng khách đến Bình Thuận đều tăng đột biến. Đơn cử như dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Bình Thuận ước đón khoảng 35 nghìn lượt khách tham quan lưu trú, công suất phòng tại các khách sạn 3-5 sao rơi vào khoảng 95%. Những ngày qua, lượng phòng đặt cho kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã kín.
Vui mừng trở lại với sự sôi động trước đây, anh Quang, 32 tuổi, lái xe Jeep khám phá các địa danh nổi tiếng tại Mũi Né chia sẻ, hiện du lịch Mũi Né đã phần nào phục hồi so trước đại dịch. “Số lượng khách du lịch trong nước đã bắt đầu nhiều lên từ hơn một tháng nay khi tỉnh kích hoạt trạng thái “bình thường mới”, trong khi du khách quốc tế cũng dần quay trở lại. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, các lái xe Jeep như chúng tôi thường chạy ba chuyến/ngày. Với 600 nghìn đồng/lượt khách, sau khi giảm trừ các loại chi phí, thu nhập sẽ dao động từ 30-40 triệu đồng/tháng. Với số lượng khách những ngày gần đây, chúng tôi cũng kiếm được khoảng 30% so trước đó. Đây là dấu hiệu đáng mừng sau thời gian dài “thất nghiệp” vì Covid-19”, anh Quang chia sẻ. Anh Quang cũng cho biết, trước những tín hiệu khả quan từ ngành du lịch địa phương, đặc biệt trong thời điểm dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 tới gần, anh và các đồng nghiệp trong nhóm đã chủ động trao đổi, rút kinh nghiệm và có những kế hoạch mới để có thể phục vụ chu đáo cho khách hàng.
Mở mọi tiềm năng
Coi sự hiếu khách là điểm nhấn trong du lịch, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, bên cạnh đẩy mạnh thu hút du khách nội địa, chuẩn bị đón mùa cao điểm du lịch với du khách nội địa dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và mùa hè năm nay, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã kết nối với những doanh nghiệp lữ hành quốc tế tái khởi động các đường tour đã có, mở thêm một số đường tour mới để thu hút du khách trở lại.
Quyết định đến Việt Nam ngay khi biết tin nước ta mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3 vừa qua, anh Théo Spectre, du khách Pháp tại Mũi Né cho biết: Bình Thuận là điểm đến hàng đầu tôi lựa chọn tới nghỉ dưỡng bởi các chương trình truyền thông cho thấy nơi đây sở hữu nhiều sản phẩm du lịch biển đa dạng. Đây cũng là điểm đến “thân thiện, chất lượng” và có những chiến dịch thích ứng đại dịch trong thời gian qua.
Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đang đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng nhiều chương trình xúc tiến du lịch phù hợp. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội gắn với phát triển du lịch, đăng cai Năm Du lịch quốc gia và các hoạt động du lịch cấp quốc gia, quốc tế tại Bình Thuận.
Những năm qua, Bình Thuận đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cơ sở vật chất, các sản phẩm cho phát triển du lịch. Hiện nay, Bình Thuận có gần 600 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 17.500 phòng; trong đó có nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 4 sao, 3 sao. Sắp tới, tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn qua địa bàn tỉnh hoàn thành, dự án cảng hàng không Phan Thiết đang được đẩy nhanh tiến độ, sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có hoạt động du lịch.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận đang phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt du khách, đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách, trong đó du khách quốc tế chiếm từ 15-20%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn năm 2026-2030 từ 20-22%/năm.