Theo Bloomberg, tổ chức Blue Forest có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đầu tháng này đã được Chính phủ Mozambique phê duyệt dự án phục hồi rừng ngập mặn lớn nhất châu Phi. Cụ thể, Blue Forest dự kiến bắt đầu thực hiện dự án trồng 200 triệu cây ngập mặn trong vòng 60 năm từ tháng 11 tới. Trước đó, kể từ năm 2022, tổ chức này đã nghiên cứu tính khả thi của dự án trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi biến đổi khí hậu.
Nhà sáng lập Blue Forest, ông Vahid Fotuhi cho biết sẽ bắt đầu dự án tại thủ phủ Quelimane của tỉnh Zambezia, cùng thời điểm mùa mưa bắt đầu ở Mozambique. Dự án này có mục tiêu bao phủ một khu vực rộng 155.000 ha, gấp đôi diện tích Singapore. Ông Fotuhi cho biết, trong 60 năm, dự án được kỳ vọng sẽ giúp hấp thụ khoảng 20,4 triệu tấn CO2, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngoài ra, những cây trồng trong dự án sẽ giúp phục hồi bờ biển bị suy thoái của Mozambique và tạo ra khoảng 5.000 việc làm trong ngành lâm nghiệp.
Sáng kiến sử dụng rừng ngập mặn để giảm thiểu khí thải và bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển bắt đầu từ dự án trồng rừng ngập mặn Mikoko Pamoja, được khởi xướng vào năm 2013 tại vịnh Gazi của Kenya. Dự án này đã giúp bảo vệ 117 ha rừng ngập mặn và trồng lại 4.000 cây hằng năm.
Rừng ngập mặn là một trong những biện pháp hiệu quả trong việc hấp thụ CO2. Bộ rễ chằng chịt của cây ngập mặn cũng giúp giảm xói mòn, đồng thời cung cấp nơi trú ẩn cho cá và các sinh vật khác. Tuy nhiên, các khu rừng ngập mặn chính của châu Phi đã bị tàn phá trong những thập kỷ gần đây do khai thác gỗ, nuôi cá, phát triển ven biển và ô nhiễm, dẫn đến tăng lượng khí thải carbon và khiến các cộng đồng ven biển dễ bị ảnh hưởng nặng nề trước lũ lụt và các mối đe dọa khác đối với sinh kế.