Bộ máy trên danh nghĩa
Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi trở lại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới để tìm hiểu về việc thực hiện dự án. Theo như thống nhất ban đầu giữa Công ty CP đầu tư và phát triển bò Mông Việt Nam với xã và nhân dân, công ty đề nghị nhân dân thành lập các hợp tác xã (HTX) để liên kết chăn nuôi. Công ty cam kết hỗ trợ giống cỏ, kỹ thuật, cho vay vốn xây chuồng trại, bao tiêu đầu ra... Vì vậy, từ năm 2017, nhân dân xã Quảng Chu đã thành lập tới tám HTX.
Sau hai năm, các HTX này vẫn “án binh bất động”, chỉ có bộ máy trên danh nghĩa và một vài diện tích đã trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi, còn bò chưa có con nào. Theo phản ánh của các HTX, ban đầu dự án dự định đưa bò về cho các HTX nuôi vệ tinh. Sau này, lại thay đổi, HTX phải thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng để mua bò của dự án về nuôi. Điều này khiến các thành viên HTX cho rằng, với tài sản ít khó vay vốn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa kể ai sẽ đứng ra định giá bò giống của dự án? Vì vậy, đến nay tất cả các HTX đều không hoạt động gì.
Trong khi đó, đến tháng 11, dự án đã xây dựng xong khu nhà điều hành ở thôn Đồng Luông, xây thêm khu trại nuôi 30 con bò. Số bò Mông này được bình tuyển, đưa về từ tỉnh Hà Giang với mục đích nuôi để sản xuất bò giống bán cho các HTX. Tuy nhiên, nếu xét theo quy mô dự án (là bảo tồn gen và lai tạo phát triển giống bò Mông quy mô 300 bò cái sinh sản, 30 bò đực thuần; nuôi vỗ béo 1.000 con bò thương phẩm/tháng; chế biến thức ăn TMR 50 tấn/ngày; giết mổ tập trung 100 con/ngày đêm; liên kết phát triển từ 800 đến 1.000 HTX, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, thương phẩm chất lượng cao tại tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh miền núi phía bắc...) thì rõ ràng 30 con bò giống này chả thấm tháp gì.
Chủ tịch UBND xã Quảng Chu Lê Phúc Lâu cho biết, việc dự án chậm tiến độ kéo dài khiến nhân dân rất chán nản. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân liên tục phản ánh, kiến nghị nhưng xã không biết phải trả lời ra sao dù rằng cũng thường xuyên chuyển kiến nghị này tới công ty.
Chưa đánh giá đủ về môi trường
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, công ty được giao cho thuê 2,92 ha đất từ năm 2017 nhưng đến tận tháng 7 năm nay, công ty mới thực hiện nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. Hiện tại, công ty này cũng chưa thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt với lý do, hiện tại mới chỉ xây dựng chuồng trại nên chưa cần thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Nhưng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đây là điều không được phép, vì căn cứ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án là bắt buộc và phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai dự án. Điều ngạc nhiên là việc này chưa xong nhưng công ty đã “nhanh chóng” đưa 30 con bò về nuôi. Chưa kể, khu nhà điều hành nằm trong hạng mục dự án, theo quy định cũng chỉ được phép xây dựng sau khi đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, nhưng đến nay, đã được xây xong và đưa vào sử dụng.
Đáng nói nữa là dự án chậm nhưng công ty tiếp tục xin bổ sung 5.000 m² đất theo hình thức nhận chuyển nhượng với các hộ dân và được UBND tỉnh Bắc Kạn đồng ý. Đến ngày 18-11, công ty đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng nhưng vẫn chưa lập hồ sơ thuê đất bổ sung, hồ sơ đánh giá tác động môi trường gửi ngành chức năng thẩm định dù rằng tỉnh đã nhiều lần đôn đốc.
Dự án chăn nuôi nói trên có tổng mức đầu tư hơn 136 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có 18 tỷ đồng, vốn khác (từ nguồn ứng dụng khoa học - công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ…) hơn 118 tỷ đồng. Với quy mô này, đây rõ ràng là dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Bắc Kạn nói riêng và các tỉnh miền núi phía bắc nói chung. Nhưng tiến độ ì ạch đang khiến cho dư luận ở Bắc Kạn không khỏi băn khoăn, nghi ngờ về tính khả thi của dự án.